Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, tại cuộc họp giữa cơ quan chức năng của Campuchia với các đối tác quốc tế tại Phnôm Pênh (Phnom Penh), ông Nhim Vanđa (Nhim Vanda), Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Phòng chống thiên tai quốc gia Campuchia, cho biết kết quả này chủ yếu có được nhờ sự phản ứng kịp thời của các cơ quan chức năng thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về nguy cơ của dịch. Chính phủ Campuchia đánh giá cao sự hỗ trợ và phối hợp tích cực, hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản, Liên minh châu Âu, các cơ quan chức năng Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ Campuchia kiểm soát dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia cũng thừa nhận nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, do tập quán nuôi và giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh tại các hộ gia đình, nhất là ở vùng nông thôn.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, Campuchia ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virút cúm gia cầm H5N1, trong đó 8 ca đã tử vong, trở thành quốc gia chịu thiệt hại về người lớn nhất vì H5N1 trong năm nay. Trong số các ca tử vong có 5 ca xảy ra tại các tỉnh giáp với Việt Nam là Cômpông Chàm (Kompong Cham), Takeo (Takeo) và Campốt (Kampot).
Đầu tháng này, Thủ tướng Campuchia Hun Xen (Hun Sen) đã ra chỉ thị khẩn cấp yêu cầu các Bộ Công an, Nông nghiệp và Y tế có hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan, sau khi số trường hợp nhiễm virút cúm gia cầm H5N1 tại quốc gia này tăng cao một cách đáng lo ngại.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ khi dịch cúm gia cầm xuất hiện vào năm 2003 đến nay, trên thế giới đã có hơn 365 trường hợp tử vong. Riêng tại Campuchia đã ghi nhận 30 ca nhiễm virút H5N1, trong đó chỉ có ba trường hợp sống sót. Ca mới nhất gần đây là một người đàn ông 35 tuổi, tử vong một tuần sau khi ăn thịt vịt nhiễm bệnh.
Cúm gia cầm ở người xuất phát từ việc tiếp xúc gần gũi với gia cầm nhiễm bệnh, tuy nhiên các nhà dịch tễ học đang lo ngại khả năng virút H5N1 biến thể sang dạng lây nhiễm giữa người với người và gây nguy cơ đại dịch.
Theo TTXVN