Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để nghị Đồng Nai tăng cường sự góp ý sâu sắc hơn
của các tầng lớp nhân dân. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Theo ông Trần Văn Tư, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Đồng Nai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng Ban nhằm thực hiện hiệu quả, đúng yêu cầu, mục đích, nội dung đề ra của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Từ đó, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các hội nghị phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, HĐND tổ chức các hội nghị chuyên đề lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo, thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cũng như phổ biến sâu rộng Dự thảo đến các tầng lớp nhân dân.
Theo đó, các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể, sở, ban, ngành, huyện thị trong tỉnh đã tổ chức hơn 300 hội nghị, phát tài liệu cho 120.000 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, tài liệu phục vụ công tác lấy ý kiến nhân dân được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang điện tử của các sở, ban, ngành. Các cơ quan báo chí trong tỉnh cũng mở các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên về nội dung này.
Đồng Nai đã in 150.000 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để phát cho các tầng lớp nhân dân, 20.000 tài liệu tuyên truyền hỏi – đáp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, 500 đĩa CD ghi âm về những vấn đề xung quanh Dự thảo sửa đổi…
Đồng Nai chú trọng tổ chức lấy ý của các vị chức sắc tôn giáo, công nhân lao động trong các KCN và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực.
Đến ngày 8/3, 11/11 đơn vị cấp huyện, 49/85 đơn vị cấp tỉnh đã gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo, ghi nhận có tổng số 70.760 lượt ý kiến đóng góp cho Dự thảo. Trong đó, đa số ý kiến tâm huyết, sâu sắc, điều này thể hiện sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến các vấn đề lớn của đất nước.
Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Đồng Nai, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và ý nghĩa về tầm quan trọng của Hiến pháp đối với sự phát triển của đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành cho biết, phương châm tổ chức lấy ý kiến nhân dân là “dân chủ, cởi mở, chân thành, sâu rộng” để tập hợp được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao sự chuẩn bị, kế hoạch tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Phó Thủ tướng cho rằng công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở Đồng Nai chặt chẽ, đồng bộ, có chiều sâu, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa bàn, với từng đối tượng như công nhân lao động tại các KCN, nông dân, đồng bào theo đạo và chức sắc tôn giáo, bà con dân tộc thiểu số, tầng lớp trí thức…
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các cơ quan chuyên môn giúp việc, các tổ chức chính trị - xã hội đã động viên các tầng lớp nhân dân tích cực và kịp thời có nhiều đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đồng Nai cần khắc phục những hạn chế như công tác báo cáo và biên tập chưa tổng hợp được những vấn đề sâu cả về lý luận và thực tiễn, tăng cường sự góp ý sâu sắc hơn của các tầng lớp trong xã hội.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, quá trình lấy ý kiến nhân dân phải tập hợp đầy đủ, chính xác, nghiêm túc, trung thực các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân và có phản biện, giải trình cụ thể, tranh thủ sự tham gia của các nhà khoa học, tầng lớp trí thức, nhà quản lý. Đồng thời, các báo cáo đánh giá cần rõ ràng, trung thực, thể hiện rõ quan điểm cụ thể trước khi gửi về Trung ương. Việc lấy ý kiến nhân dân phải theo đúng quy định đến ngày 30/9/2013.
Nguồn www.chinhphu.vn