Lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc, đầy đủ, chính xác

Ngày 11/3, Đoàn kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác này trên địa bàn tỉnh.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992 phải nghiêm túc, đầy đủ, chính xác. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến ngày 10/3, tỉnh cơ bản hoàn tất công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo kế hoạch, tiến hành tổng hợp ý kiến theo quy định.

Nhân dân góp ý tâm huyết, cụ thể

Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 2.579 hội nghị từ cấp tỉnh đến cấp xã với số người tham gia là 144.307 người, 16.839 lượt ý kiến đóng góp.

Nhìn chung, việc đóng góp ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tổ chức theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh uỷ, công tác tuyên truyền có nhiều nỗ lực giúp người dân có thể đóng góp được ý kiến của mình.

Qua công tác tổng hợp ban đầu, nhân dân đã quan tâm đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, phong phú và đa dạng. Toàn bộ các ý kiến đóng góp đều đồng tình với với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cho phù hợp với tình hình phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban, tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt và tổ chức thực hiện lấy ý kiến nhân dân, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân như xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành tờ rơi.

HĐND tỉnh cũng tổ chức Hội nghị chuyên đề để đại biểu góp ý, đồng thời cũng rút kinh nghiệm về hình thức tổ chức, phương pháp ghi ý kiến. Bên cạnh đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc lấy ý kiến các nhân sỹ trí thức, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc.

Nhiều ý kiến của nhân dân đóng góp cho Dự thảo rất tâm huyết, cụ thể, sâu sắc. Việc triển khai lấy ý kiến trong tỉnh được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của các huyện, xã, phường như huyện Đất Đỏ tổ chức ghi âm, phát thanh liên tục qua hệ thống truyền thanh cơ sở cho bà con ngư dân đi biển, tập huấn cho các báo cáo viên nói chuyện về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Sở Tư pháp tổ chức lấy ý kiến tới các công chức, viên chức với các ý kiến đóng góp cụ thể với các Chương, Điều trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Cần lấy được nhiều nhất ý kiến đóng góp của nhân dân

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đạt mục đích, yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế mà tỉnh cần khắc phục như hình thức lấy ý kiến còn đơn điệu. Do đó, cần chỉ đạo quyết liệt hơn và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân. Việc tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân phải đầy đủ, nghiêm túc, chính xác, có tiếp thu và giải trình cụ thể.

Theo Phó Thủ tướng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần bám sát các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo hướng dẫn của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để tập hợp được nhiều nhất ý kiến của nhân dân. Tập thể Ban Thường vụ phải nghe đầy đủ các ý kiến của nhân dân trước khi gửi về Trung ương.

Sau Công điện khẩn của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiếp tục đẩy mạnh lấy ý kiến sâu rộng các tầng lớp nhân dân đến ngày 30/9/2013.

Nguồn www.chinhphu.vn