Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường Đầm Nại - Đôi điều suy nghĩ

(NTO) Đầm Nại là vùng nước tự nhiên nằm sâu trong đất liền, thuộc địa phận của huyện Ninh Hải. Diện tích tự nhiên của đầm khoảng 1.200 ha; trong đó diện tích vùng triều là 800 ha, phía đông của đầm liên thông với biển qua lạch Ninh Chữ dài 2 km, rộng 150 đến 300 m, nhận nước ngọt từ các kênh mương hệ thống thuỷ lợi với diện tích lưu lượng 556 km2.

Đầm Nại là một trong 12 đầm phá ven biển nước ta, là đầm phá kiểu nhiệt đới khô hạn ven biển điển hình. Trước đây, Đầm Nại vốn dĩ sở hữu một hệ sinh thái tương đối phong phú về hệ động - thực vật  bao gồm thực vật nổi 125 loài, động vật nổi 22 loài, rong biển 40 loài, động vật đáy 61 loài, cá biển 42 loài và có khoảng 300 ha rừng ngập mặn, gồm nhiều loài cây ngập mặn điển hình như: Đước Vòi, Đưng (Đước Bộp), Mắm Biển, Mắm Trắng, Mắm Quăng…; ngoài ra, nơi đây cũng còn là nơi trú ngụ của các loài chim di trú và là địa bàn sinh kế của hơn 4.000 hộ/30.000 nhân khẩu các xã Phương Hải, Tri Hải, Tân Hải, Hộ Hải và thị trấn Khánh Hải của huyện Ninh Hải. Có thể nói, hệ sinh thái Đầm Nại, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của nó chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ninh Hải và của tỉnh.

 
Nông dân xã Tri Hải nuôi trồng rong sụn trên vùng Đầm Nại. Ảnh: Bạch Thương

Tuy nhiên, từ thập niên 1990 của thế kỷ trước đến những năm gần đây các khu dân cư, ngành nghề kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của đầm không ngừng phát triển; các hoạt động dịch vụ, khai thác thủy sản, sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản…có những năm gặp điều kiện thuận lợi đã phát triển quá nhanh và mang tính tự phát, phá vỡ quy hoạch phát triển chung của huyện cũng như của các ngành, thiếu sự kiểm soát chặc chẽ về bảo vệ môi trường; dẫn đến tình trạng hệ sinh thái của Đầm Nại đã trở nên mất cân bằng, suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường bị ô nhiễm. Các tác nhân chính có thể kể đến là:

- Hoạt động nuôi trồng thủy sản không theo qui hoạch, nuôi tôm dưới dạng bán thâm canh chưa xử lý triệt để nước thải là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và làm suy yếu chức năng của đầm.

- Nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các xã chung quanh đầm mang nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; rác thải từ các hoạt động dân sinh, công nghiệp, dịch vụ của hàng vạn cư dân sống quanh đầm vẫn hằng ngày trực tiếp đổ ra kênh, mương và đầm, làm mất cân bằng sinh hóa môi trường nước của đầm.

- Hoạt động chặt phá, khai thác, lấn chiếm trái phép rừng ngập mặn để nuôi tôm và làm muối làm mất nơi cứ trú của nhiều loài động vật trên cạn và dưới nước.

- Hoạt động khai thác cá, tôm, cào sò, bắt ốc không đúng mùa vụ, kích thước mắt lưới quá nhỏ, khai thác bằng các dụng cụ có tính huỷ diệt thường xuyên.

Sự suy thoái có thể nhận biết rõ nhất là diện tích rừng ngập mặn từ 300 ha của hơn các thập niên trước nay chỉ còn khoảng 20,4 ha; các loài chim di trú dường như không còn thấy xuất hiện ở nơi đây; số lượng, chủng loại cũng như kích thước các loài thủy sản sống trong vùng suy giảm đáng kể; các thông số về chất lượng nước Đầm Nại như hàm lượng oxy hòa tan, NH3, BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa), vi khuẩn tổng số đều không thỏa mãn tiêu chuẩn nước cấp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản; mực nước của đầm đang dần bị nông hóa…

Hậu quả của sự suy giảm môi trường tự nhiên cũng như sự mất cân bằng sinh thái Đầm Nại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng thể hiện rõ nét qua việc nghề nuôi thuỷ sản không còn được như những năm trước nữa, thất thu liên tiếp xảy ra. Để tiếp tục mưu sinh, một số hộ dân khác chuyển đổi ngành nghề sang làm muối ở các diện tích đất xung quanh đầm lại tiếp tục chặt phá rừng ngập mặn, xả nước thải ra đầm, gây ô nhiễm và mất cần bằng sinh thái khu vực đầm.

Tương lai, hệ sinh thái cũng nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Đầm Nại vẫn đang tiếp tục bị đe dọa, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nếu không có những động thái tích cực từ phía chính quyền.

Nhận thức được tầm quan trọng, vị trí chiến lược của Đầm Nại trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ninh Hải và của tỉnh; đã có nhiều động thái tích cực về phía chính quyền đối với việc sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của Đầm Nại. Nhiều đề tài khoa học đã được tiến hành nghiên cứu các giải pháp “cứu” Đầm Nại, nhiều kế hoạch đã được đặt ra trong việc khôi phục môi trường nơi đây cũng như khai thác, sử dụng nó hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cho đến nay các biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng Đầm Nại vẫn còn mang tính đơn ngành, thiếu sự liên kết trong việc khai thác đa mục tiêu của Đầm Nại cho phát triển kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch dịch vụ, …) với việc bảo vệ tránh sự tổn hại quá mức đến môi trường.

Thiết nghĩ, để đảm bảo sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường Đầm Nại, quan điểm quản lý “quản lý tổng hợp” rất cần phải quan tâm triển khai thực hiện. Quản lý tổng hợp môi trường Đầm Nại cần tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, cần đánh giá được hiện trạng môi trường Đầm Nại, xác định vai trò và chức năng của đầm đối với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội cũng như xu hướng phát triển kinh tế - hội của địa phương trong 10 – 20 năm tới.

Thứ hai, cần xác định được các nhiệm vụ quản lý tổng hợp môi trường Đầm Nại, trong đó nhấn mạnh đến quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường Đầm Nại.

Thứ ba, cần khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc làm thay đổi nhận thức, hành vi của con người trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước, cũng như thực hiện các chính sách, quy định của cơ quan có thẩm quyền của địa phương.

Cuối cùng, cần xác định rõ cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm quản lý tổng hợp, đảm bảo điều phối tốt các nhiệm vụ quản lý, tránh sự xung đột, chồng chéo nhiệm vụ trong quá trình triển khai.

Hy vọng, với việc nghiên cứu, triển khai quản lý tổng hợp môi trường Đầm Nại, nguồn tài nguyên thiên nhiên Đầm Nại ngày càng phát triển bền vững.