Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm

(NTO) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của CBCCVC; hướng tới mục tiêu là tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn.

Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5-3-2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhấn mạnh: "Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao".

Với yêu cầu, mục tiêu đó, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng, thái độ thực hiện công việc cho CBCCVC, viên chức; trong đó, cung cấp những kiến thức, lý luận cơ bản, trang bị kỹ năng, cách thức hoạt động thực thi công việc, còn thái độ thực hiện công việc thể hiện sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của người CBCCVC. Vì vậy cần có những đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC như sau:

1. Hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC còn thiên về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của từng vị trí việc làm của CBCCVC. Trong thời gian qua, nội dung và thời lượng khung cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng liên tục thay đổi và cải cách nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng ngành, từng địa phương với tính chất và trình độ phát triển rất khác nhau, chưa đáp ứng yêu cầu từng vị trí việc làm của CBCCVC. Chính vì vậy cần đổi mới nội dung chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy cho phù hợp theo vị trí việc làm; trong đó chú trọng kỹ năng thực tiễn áp dụng cho từng đối tượng người học; cần có sự liên thông trong nội dung chương trình, giảm bớt những nội dung trùng lắp.

2. Tiếp tục đổi mới và áp dụng tốt các phương pháp truyền đạt kiến thức theo từng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng như: thuyết trình, làm việc theo nhóm, nghiên cứu tình huống, thảo luận, đóng vai...

3. Giảng viên được mời tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức, cần những người có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế; cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực; mời lãnh đạo các cơ quan, đơn vị công tác trong ngành, trong địa phương có kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng theo từng vị trí việc làm.

Ở tỉnh, trong thời gian qua, các ngành, các địa phương thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Theo đó, đội ngũ CBCC trẻ được đào tạo cơ bản ngày càng được tăng cường, bổ sung, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và đạt được một số kết quả quan trọng:

- Hàng năm CBCCVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng khoảng 3.000 lượt người, chiếm khoảng 25% so với tổng số CBCCVC hiện có; đối tượng cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngày càng mở rộng cho cả những người hoạt động không chuyên trách xã, cán bộ thôn, tổ dân phố; số lượng cán bộ nữ cử đi đào tạo, bồi dưỡng trên 40% so với tổng số CBCCVC cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

- Cùng với việc tăng dần số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng được nâng lên, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được triển khai toàn diện, trong đó chú trọng bồi dưỡng kỹ năng thực thi công vụ và theo vị trí việc làm.

- Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng tổ chức theo tiêu chuẩn nghiệp vụ CCVC và tập trung theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu; điều này được thể hiện ở chỗ là mỗi chức danh, mỗi vị trí việc làm được bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng phù hợp, thiết thực với công việc đang đảm nhận, các chương trình cụ thể như: kỹ năng dành cho CCVC lãnh đạo quản lý; nghiệp vụ cho CCVC làm công tác nhân sự, cải cách hành chính, văn thư lưu trữ, thực hành văn bản; ứng dụng công nghệ thông tin; xử lý tình huống...

- Giảng viên được mời tham gia giảng dạy là những người có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế; cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực. Ngoài ra, còn mời lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành cho CBCC theo từng vị trí việc làm.

- Hình thức đào tạo, bồi dưỡng luôn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chia tổ nhóm thảo luận, làm bài tập tình huống; minh họa quy trình, thao tác thực thi nhiệm vụ bằng hình ảnh trình chiếu video clip, hướng dẫn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”. Đối với các lớp tập huấn lập hồ sơ công việc, kỹ năng soạn thảo văn bản, sau khi nghiên cứu lý thuyết, cần tổ chức thực hành thông qua hội thi, đợt thi.

Qua đào tạo, bồi dưỡng, khả năng ứng xử, kỹ năng thực thi công vụ theo vị trí việc làm của CBCCVC được nâng lên rõ rệt; góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà.