• Giới chức Oasinhtơn từng bí mật tới Triều Tiên
Theo KCNA, huân chương, huy chương cấp nhà nước và nhiều phần thưởng khác đã được trao cho 11.592 nhà khoa học, kỹ thuật viên, công nhân và các quan chức khác vì sự cống hiến của họ cho thành công của vụ thử hạt nhân hôm thứ Ba tuần trước. Trước đó, nhiều nhà khoa học hạt nhân và các quan chức nước này cũng đã được đón chào như "những người hùng" tại các hoạt động chúc mừng diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng cách đây một tuần.
Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12-2 với việc cho nổ một thiết bị hạt nhân thu nhỏ có sức công phá lớn hơn nhiều so với hai vụ thử trước, nhưng không làm ảnh hưởng môi trường xung quanh. Vụ thử được tiến hành đúng 2 tháng sau khi nước này cho phóng một tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất và chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm 71 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Châng In (Kim Jong-il), cha của nhà lãnh đạo trẻ hiện nay Kim Châng Un (Kim Jong-un).
Vụ thử đã gây phản ứng mạnh trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước vốn xưa nay có thái độ khá mềm dẻo với Triều Tiên là Nga và Trung Quốc lần này cũng bày tỏ phản đối rõ rệt. Trong hành động đầu tiên đáp trả vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí siết chặt trừng phạt đối với 26 cá nhân và 33 thực thể ở Triều Tiên được cho là có liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các lệnh trừng phạt này bao gồm lệnh cấm đi lại, giao dịch tài chính, thương mại, xuất nhập khẩu các thiết bị tên lửa đạn đạo tầm xa và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đang xem xét đưa ra hình thức trừng phù hợp với Triều Tiên sau vụ thử trên.
Trong một diễn biến khác, tờ "Thời báo Los Angeles" của Mỹ số ra ngày 23-2 đưa tin các quan chức nước này đã tiến hành hai chuyến thăm bí mật tới Triều Tiên trong năm 2012 với nỗ lực cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng sau khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Châng Un lên nắm quyền.
Dẫn lời một số cựu quan chức Mỹ giấu tên, "Thời báo Los Angeles" cho biết các chuyến thăm diễn ra vào tháng 4 và tháng 8 với mục đích khuyến khích tân lãnh đạo Kim Châng Un hài hòa chính sách đối ngoại. Đáng lưu ý trong cả hai chuyến thăm này đều có sự hiện diện của nhà phân tích kỳ cựu của CIA Xítni Xâylơ (Sydney Seiler). Các chuyến thăm này được tiến hành sau khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un bổ nhiệm các nhân vật trung dung vào những vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo đất nước.
Chuyến thăm chính thức của phái đoàn Mỹ tới Triều Tiên diễn ra từ năm 2009 khi đặc phái viên Xtephan Bôxơuốt (Stephen Bosworth) tìm cách tái khởi động các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bị đình trệ từ nhiều năm trước đó.
Theo TTXVN