Trong cương vị “Đại sứ đặc biệt về hạt diêm mạch” của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Tổng thống Môralết cho biết những thổ dân Inca ở vùng Anđết (Andes), Nam Mỹ, từ cách đây 7.000 năm đã không ngừng cải tạo và sử dụng loại hạt mà họ đặt tên là “hạt vàng” bởi giá trị dinh dưỡng, chữa bệnh và ý nghĩa tâm linh của nó.
Tổng thống Môralết là người thúc đẩy để LHQ tuyên bố năm 2013 là "Năm quốc tế hạt diêm mạch" nhằm tôn vinh những giá trị dinh dưỡng cũng như ghi nhận tiềm năng đóng góp của hạt diêm mạch trong bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới. Ông và Đệ nhất phu nhân Pêru, Nađinê Êrêđia (Nadine Heredia), được cử làm Đại sứ đặc biệt của FAO nhằm quảng bá hạt này, bởi Bôlivia và Pêru là hai nước có sản lượng diêm mạch lớn nhất thế giới.
Phát biểu nhân dịp này, Tổng Giám đốc FAO, Giôdê Gradianu đa Xinva (José Graziano da Silva), khẳng định diêm mạch là một “đồng minh mới” trong cuộc đấu tranh chống nạn đói và bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới, nơi vẫn còn khoảng 870 triệu người thiếu ăn.
Diêm mạch có tên khoa học là "chenopodium quinoa" và được người dân vùng Anđết gọi với nhiều cái tên khác nhau như quínoa, quinua, hoặc kinwa. Diêm mạch là thực phẩm có nguồn gốc thực vật duy nhất có đủ các axít amin cơ bản mà con người cần, giàu nguyên tố vi lượng cũng như các vitamin, nhưng không chứa gluten. Loài cây lương thực này có một ưu điểm nữa là có thể chịu được lạnh, hạn hán, có thể trồng được nơi đất cằn cỗi và bị nhiễm mặn, vì vậy thậm chí nó có thể trồng được tại vùng Himalaya (Himalaya) và cao nguyên phía Bắc Ấn Độ.
Diêm mạch được sử dụng làm lương thực từ cách đây khoảng 7.000 năm, nhưng mới được giao dịch với khối lượng lớn trên thị trường quốc tế hơn 10 năm trở lại đây, sau khi thế giới phát hiện những đặc điểm dinh dưỡng nổi trội của loại hạt này. Năm ngoái, Bôlivia thu hoạch 48.500 tấn diêm mạch, trong đó khoảng 70% sản lượng được xuất khẩu tới các thị trường truyền thống là châu Âu và Mỹ, nhưng trong thời gian gần đây đã được mở rộng sang châu Á và khu vực Trung Đông. Hiện Bôlivia chiếm 46% sản lượng diêm mạch thế giới, trong khi Pêru đứng thứ 2 với 42%.
Theo TTXVN