Nhiều lễ hội truyền thống
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Đường hoa Nguyễn Huệ lại trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân Sài Gòn và của du khách quốc tế. Năm nay, Đường hoa Nguyễn Huệ được xây dựng theo chủ đề “Trái tim Việt Nam”, nhằm chuyển tải thông điệp: Đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một xã hội phồn thịnh, văn minh, bảo vệ toàn vẹn bờ cõi của Tổ quốc Việt Nam; ước nguyện được sống yên bình, hòa hiếu, trọng đạo nghĩa, anh dũng kiên cường của dân tộc Việt Nam. Theo đó, sẽ có ba khu vực chính, Xuân non cao (từ đường Lê Lợi đến Mạc Thị Bưởi), Xuân đồng bằng (từ đường Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) và Xuân biển đảo (từ đường Ngô Đức Kế đến Tôn Đức Thắng).
Khu vực tiểu cảnh trên Đường hoa Nguyễn Huệ được trang hoàng chuẩn bị cho ngày khai trương.
Theo ban tổ chức, Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ bắt đầu khai mạc lúc 19 giờ ngày 7/2 (tức 27 Tết) và kéo dài đến 22 giờ ngày 13/2 (mùng 4 Tết). Năm nay sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 10 năm Đường hoa Nguyễn Huệ. Trong đó, sẽ dành ra một khu vực để trưng bày mô hình thu nhỏ con giáp của các năm qua và điểm nhấn của Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay là khu vực Xuân biển đảo.
Cùng với Đường hoa Nguyễn Huệ, lễ hội Đường sách cũng đang dần trở thành điểm hẹn văn hóa thân thương, độc đáo của người dân thành phố và du khách trong và ngoài nước mỗi độ xuân về. Đây là lần thứ ba TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ hội Đường sách mừng Xuân, góp phần tuyên truyền, cổ vũ cho văn hóa đọc, giáo dục về lịch sử, cội nguồn, văn hóa, tâm hồn và nhân cách con người Việt Nam, vun đắp lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và cổ vũ các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Điểm nhấn của lễ hội năm nay là ngay trên đường Nguyễn Huệ, sẽ có khu vực giới thiệu các ấn phẩm có nội dung về dân tộc và biển đảo, với 223 tựa sách về văn hóa, trang phục, địa danh, những di tích lịch sử..., cùng một không gian trưng bày các bản đồ, tư liệu, ấn phẩm phục vụ tuyên truyền về biên giới biển đảo Việt Nam.
Trong khi đó, dịp Tết này, người dân thủ đô và du khách có thể hòa mình vào nhiều lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của người Việt. Theo đó, vào ngày mùng 4, 5 Tết, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ diễn ra hoạt động vẽ tranh Đông Hồ, viết thư pháp, ẩm thực dân tộc Tày xứ Lạng và múa rối nước. Đặc biệt, từ mùng 6 - 8 Tết (15 - 17/2/2013), sẽ diễn ra các hoạt động mang đậm nét văn hóa dân gian như trình diễn nghệ thuật dân gian, chơi trò chơi dân gian, đốt pháo bông, ẩm thực Yên Bái và ẩm thực dân tộc Tày xứ Lạng... Chương trình sẽ có sự tham gia của bà con người Dao, Khơmú, Xá Phó, Sán Chay, Mông và Thái đến từ tỉnh Yên Bái.
Còn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, một chương trình quy tụ nhiều cộng đồng các dân tộc Việt Nam mang tên "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ diễn ra từ ngày 19 -21/2 (mùng 10 - 12 tháng Giêng). Theo đó, ngày hội sẽ có sự tham gia của 24 cộng đồng dân tộc đến từ 8 tỉnh đại diện cho các dân tộc vùng cao phía Bắc và Tây Nguyên.
Ngoài ra, ngay từ những ngày đầu Xuân mới, nhiều lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng diễn ra: Lễ hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ) tổ chức vào mùng 4/1 âm lịch, lễ hội kỷ niệm 224 năm chiến thắng Đống Đa tổ chức vào mùng 5/1; lễ hội chùa Hương, đền Sóc, Cổ Loa, Hai Bà Trưng tổ chức vào mùng 6/1, lễ hội Chạy lợn (huyện Phú Xuyên) tổ chức mùng 7/1...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương trên cả nước còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho người dân như: tại Lào Cai có lễ hội Đền Thượng Xuân Quý Tỵ 2013 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến hết ngày 15 tháng Giêng năm Quý Tỵ; tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra đêm Khai hội Văn hóa - Du lịch mùng 8 Tết (ngày 17/2); lần đầu tiên tại Đồng Nai sẽ diễn ra lễ hội chùa Ông trong 3 ngày từ ngày 20 - 22/2 (11/1 đến 13/1 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa dân gian, như: lễ vía Ông quan thánh Đế quân, tổ chức lễ hội rước Ông qua một số tuyến đường chính trong TP Biên Hòa….
Nhộn nhịp các điểm vui chơi, giải trí
Song song với các hoạt động văn hóa lễ hội truyền thống, trong đêm giao thừa, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm, trong đó có 5 điểm tầm cao, 24 điểm tầm thấp với thời lượng 15 phút. 5 điểm bắn pháo hoa tầm cao là Hồ Gươm, công viên Thống Nhất, vườn hoa Lạc Long Quân, hồ Văn Quán, sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Bên cạnh đó, khán giả Thủ đô cũng sẽ được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc là chương trình hài kịch “Táo cười đón Xuân” của Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi Trẻ, sẽ chính thức ra mắt khán giả vào ngày 15/2 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô. Chương trình "Táo cười đón Xuân" nhìn lại những vấn đề dân sinh bức xúc trong năm qua như quy định về xử phạt xe chính chủ, quy định đám cưới không quá 50 mâm cỗ, đám ma không quá bảy vòng hoa… Tham gia chương trình có những nghệ sỹ nổi tiếng như: Chí Trung, Xuân Bắc, Quỳnh Dương, Anh Tuấn…, hứa hẹn mang đến những tiếng cười vui vẻ đầu năm cho khán giả qua câu chuyện của Táo chính chủ, Táo chuyển giới, Táo Facebook... là những Táo chưa từng xuất hiện trong các chương trình Táo quân trước đây.
Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung, Trưởng đoàn kịch II, cho biết: “Chương trình "Táo cười đón Xuân” tập hợp những vấn đề “nóng” của dư luận, gây nhiều tranh cãi dưới góc nhìn hài hước của các Táo. Các Táo trong chương trình là Táo sống giữa đời thường, chứ không phải là Táo lên chầu Ngọc Hoàng”. Tiếng cười xuất phát từ những điều vô lý mà người dân ai cũng nhìn thấy. Qua đó, những người làm chương trình đề cặp đến những vấn đề đời thường, bức xúc trong đời sống như an toàn giao thông, nét sống văn hóa.
Mặt khác, trong đêm giao thừa năm nay, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Hà Nội tổ chức sự kiện hướng tới cộng đồng, nhảy flashmob tập thể. Màn đồng diễn flashmob sẽ diễn ra tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng (từ sân khấu Đền Bà Kiệu đến vườn hoa tượng đài Vua Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào đêm ngày 9/2/2013 (tức đêm Giao thừa) từ 22 giờ -24 giờ với hàng chục ngàn người tham gia. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp qua cầu truyền hình “Chào năm mới” của Đài truyền hình Việt Nam.
Tại TP Hồ Chí Minh, để chào đón Tết Nguyên đán năm nay, Thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa dài 15 phút ngay thời khắc giao thừa tại năm địa điểm: Đường hầm sông Sài Gòn (quận 2), Công viên Đầm Sen (quận 11), Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9), Đền Tưởng niệm Bến Dược (Củ Chi), sân bóng đá huyện Cần Giờ và Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (Hóc Môn).
Bên cạnh đó, các khu du lịch cũng ra sức tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí để thu hút du khách trong dịp Xuân về. Tại khu du lịch Đầm Sen, du khách có thể thưởng thức những màn biểu diễn rộn rã của Lân Sư Rồng để đón nhiều may mắn và bình an trong năm mới, ngắm Đường Mai Đầm Sen và lưu lại những khoảnh khắc vui xuân hoặc du xuân trên Phố Ông Đồ tại Đầm Sen để cảm nhận không gian gần gũi, ấm áp và đầy chất truyền thống của ngày Tết cổ truyền. Bên cạnh đó, khu du lịch Suối Tiên sẽ tổ chức chương trình chào đón năm mới với chủ đề “Du xuân Suối Tiên - Thần Tiên hội tụ” từ ngày 10/2 đến ngày 19/2 (tức từ mùng 1 - mùng 10 tháng Giêng). Qua đó, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng và ước nguyện với các vị thần tiên nhiều điều may mắn, an lành trong dịp năm mới và hòa mình vào không khí nô nức trẩy hội mùa xuân.
Còn tại Đồng Nai, các khu du lịch cũng có nhiều hoạt động thu hút khách tham quan. Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Giang Điền, cho hay: “Từ cuối tháng 1 đến 16/2, Khu du lịch Giang Điền sẽ đưa vào hoạt động khu ẩm thực phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của du khách với hơn 100 món ăn nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước. Sau khi mua vé vào cổng, du khách sẽ được miễn phí khi tham gia tất cả các trò chơi dân gian có thưởng do khu du lịch tổ chức, như: nhảy bao bố, đi cà kheo… Đặc biệt, trong dịp Tết này, khu du lịch sẽ đưa thêm dịch vụ mới là chèo thuyền kayak đôi và đơn trên hồ”.
Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng là sự lựa chọn lý tưởng cho hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí mỗi dịp nghỉ lễ của khách du lịch bốn phương... Trong dịp Xuân này du khách còn được thưởng thức những chương trình giải trí đặc sắc mỗi ngày như: nghênh đón tài lộc cùng các vị Phúc - Lộc - Thọ; biểu diễn múa Lân sư rồng của các đội múa lân nhà nghề; các chương trình ca vũ kịch hoành tráng và đầy sắc màu. Bên cạnh đó, từ ngày rằm tháng Giêng Xuân Quý Tỵ, Đại Nam sẽ miễn phí vé vào cổng vào các ngày rằm và mùng một hàng tháng cho quý khách đến tham quan đền thờ Đại Nam và khu du lịch. Mặt khác, từ ngày 14/12 - 17/2 du khách còn được tham dự chương trình “Vui Xuân may mắn cùng khu du lịch Đại Nam” với tổng giá trị giải thưởng hơn 1,3 tỷ đồng.
Không chỉ các nơi vui chơi có nhiều chương trình mới lạ, tại các nhà hát, rạp chiếu phim, các sân khấu ca nhạc…, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng sẽ diễn ra nhiều chương trình đặc biệt ca nhạc mừng Xuân mới như: chương trình live show Hoài Linh (mùng 1 - mùng 5); các phim chiếu rạp như Mỹ nhân kế 3D, Nhà có 5 nàng tiên, Lọ lem Sài Gòn… Ngoài ra, tháng 2 này khán giả Việt còn có dịp gặp lại siêu sao hành động một thời Arnold Schwarzenegger trong bộ phim The last stand (Chốt chặn cuối cùng), bốn thầy trò Đường Tăng trong Journey to the West (Tây Du Ký - Mối tình ngoại truyện) qua bàn tay nhào nặn của Châu Tinh Trì, Russell Crowe và Catherine Zeta-Jones trong Broken City (Thành phố tội ác). Cả ba bộ phim đều đồng loạt ra rạp ngày 22/2…
Với nhiều hoạt động giải trí mang phong cách từ truyền thống đến hiện đại hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân cả nước những phút nghỉ ngơi, thư giãn trong dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN