Đón Tết ở Nhà giàn DK1

11 năm công tác ở Nhà giàn DK1 là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Tôi không còn nhớ bao đêm thức trắng, bao lần nhớ nhà đến trào nước mắt, song ba lần đón Tết trên Nhà giàn DK1/6, DK1/14, DK1/10 thì không bao giờ quên được.

Tôi về tiểu đoàn DK1 tháng 10/1994. Ngày ấy tiểu đoàn DK1 phiên hiệu là Khung quản lý DK1, các nhà giàn mang phiên hiệu là Trạm Kinh tế -Khoa học- Dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lính nhà giàn chúng tôi quen gọi là nhà lô, nhà chòi chứ không gọi nhà giàn như bây giờ. Tháng 4/1995, tôi bắt đầu đi Nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) và “thưởng thức” cái Tết đầu tiên giữa trùng dương bao la. Ngày ấy, nói đến lính nhà lô là nói đến những người chấp nhận hi sinh và chịu đựng gian khổ. Đời sống của bộ đội lúc đó vô cùng khó khăn. Nước ngọt chia từng ca, cả tuần mới được ăn một bữa canh rau muống loãng, thức ăn chủ yếu là thịt hộp đem ra từ đất liền và cá câu dưới biển. Gian khổ, khó khăn không kể xiết, lâu ngày chịu đựng thành quen, nhưng cái không bao giờ quen được là nỗi nhớ đất liền. Một năm có 365 ngày, thì ngần ấy thời gian nỗi nhớ đất liền luôn khắc khoải, canh cánh, day dứt trong tim chúng tôi, dẫu vẫn biết nhớ đất liền cũng chẳng về được. Chính sự gian khó ấy, đã rèn luyện tôi cứng rắn hơn, chấp nhận gian khổ hơn, nhưng nỗi nhớ đất liền càng sâu đậm hơn.

Vững chắc tay súng canh biển trời Tổ quốc.

Năm đầu tiên tôi đón Tết giữa đại dương. Những ngày cận Tết, sóng gió dữ dội. Tất cả chúng tôi hướng mắt về phía đất liền thèm thuồng trông ngóng. Dẫu biết sự ngóng đợi ấy chẳng mang lại được gì, nhưng dù sao nhìn về hướng đất liền cũng đỡ nhớ nhà hơn. Khác với đất liền, những ngày giáp Tết mọi người đi sắm sanh mua bán, còn tôi làm bạn với sóng gió. Nỗi nhớ đất liền cồn cào như xé ruột gan. Sóng càng lớn, gió càng mạnh, nỗi nhớ càng tăng thêm. Những tháng ngày đầu tiên đi lính ở Lữ đoàn 147 Quảng Ninh, rồi 5 năm học ở Trường Sĩ quan chính trị như một cuốn phim quay chậm khiến tôi trở về với ký ức. Và đó là những tháng ngày đẹp nhất của tôi.

Chuyển quà Tết vào nhà giàn trong sóng gió.

Nỗi nhớ đất liền cũng chẳng khiến thời gian quay trở lại, quãng ngày đẹp đẽ giờ chỉ là ký ức. Khi giờ khắc giao thừa đến, anh em chúng tôi hướng mắt về ti vi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Đại úy Nguyễn Văn Đoàn lúc đó giữ chức Trạm trưởng thắp một nắm nhang, đưa cho mỗi người ba cây, rồi đọc to dõng dạc: “Hôm nay là đêm 30 Tết, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh linh 9 liệt sĩ đã ngã xuống nơi này, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 chúng tôi phấn đấu sẽ hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn gian khổ, vui xuân mới không quên nhiệm vụ...”. Mỗi người 3 nén hương khấn bàn thờ Tổ quốc. Giây phút thiêng liêng ấy, không ai nói nên lời, nhưng trong lòng chúng tôi đang nhớ về quê mẹ, nơi những người thân, vợ, con cũng đang nhớ chúng tôi.

Giữa biển trời Tổ quốc, rượu, thịt, bánh chưng, kẹo, mứt được bày ra. Đại úy Đoàn nâng ly chúc mọi người sức khỏe. Bao câu chuyện ở quê nhà và niềm chung riêng của lính được kể ra đây. Từ giữa năm 2009 về trước, 15 nhà giàn DK1 chưa có điện thắp sáng bằng pin năng lượng mặt trời như bây giờ. Đêm giao thừa máy nổ chạy ầm ầm đến sáng. Chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ đất liền bằng những bài hát karaoke. Có những chiến sĩ ngày thường “im như thóc” thì nay “dốc hết lòng mình” cho tiếng hát lời ca. Sau những phút giây vui mừng là khoảng lặng. Chúng tôi mỗi người về “thế giới riêng” của mình. Người viết nhật ký, người đọc lại những lá thư nhà, người đem ảnh vợ, con ra xem. Trong khoảng lặng ấy, có người đã khóc. Khóc không phải vì yếu đuối mà vì niềm tự hào vui sướng đã vượt qua những khó khăn gian khổ, khóc vì không gì khỏa lấp được nỗi nhớ đất liền. Nhiều sáng thức dậy, sờ lên mắt ướt nhòe mới biết mình khóc. Lúc đó tôi chỉ ước mơ có một con đường nối liền giữa nhà giàn và đất liền để chạy ngay về thăm bố mẹ ở quê.

Chăm sóc rau xanh trên nhà giàn.

Sáng mồng một Tết, tôi cùng đại úy Nguyễn Văn Đoàn đi đến phòng từng chiến sĩ chúc Tết. Cái bắt tay thân thiết ân tình như truyền cho nhau sức mạnh, cầu chúc nhau đầu xuân sức khỏe. Chúng tôi lỳ xì nhau bằng tờ giấy bạc 2 ngàn đồng, bởi lỳ xì nhiều cũng chẳng mua được gì ngoài biển. Giải trí ba ngày Tết chẳng khác ngày thường, cũng chơi bóng bàn, đi bộ, chơi cờ và câu cá. Cái mới hơn là tinh thần rạo rực niềm vui của không khí mùa xuân và được những bữa ăn tươi hơn. Ba ngày Tết nhanh chóng qua mau nhưng dư âm và niềm vui vẫn còn đọng mãi.

Lần thứ hai tôi đón Tết ngoài nhà giàn năm 2004. Đó là cái Tết tôi nhớ thương vợ con nhất. Ngày mồng 5 Tết năm 2003, vợ tôi sinh con trai thứ hai thì 10 ngày sau tôi đi Nhà giàn DK1/14. Hôm chia tay, vợ níu áo tôi khóc rưng rức không cho đi. Ôm vợ vào lòng tôi động viên: “Anh sẽ về, em ở nhà yên tâm chăm con”. Mẹ vợ tôi đỡ tay vợ tôi bảo: “Thôi để cho bố nó đi, ở nhà đã có mẹ rồi”. Vợ tôi nhìn tôi nước mắt giàn dụa. Tôi hôn lên mắt vợ và đi trong niềm thương vợ con khôn xiết ấy.

Những ngày sau đó, tôi vơi nỗi nhớ vợ con bằng các bài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên nhà giàn. Từ giữa năm 2009 trở về trước, các nhà giàn DK1 chưa phủ sóng điện thoại di động như bây giờ. Phương tiện duy nhất chia sẻ gian khổ và vơi bớt nỗi nhớ đất liền với người thân là thư viết tay. Nếu chiến sĩ nào có “mối quan hệ tốt” với radio duyên hải Vũng Tàu thì gọi điện qua sóng radio về thăm gia đình với số máy điện thoại đã đăng ký từ trước, song không phải radio Vũng Tàu lúc nào cũng sẵn sàng nối máy. Vì ngoài chúng tôi, còn nhiều cán bộ công nhân dầu khí làm việc trên các giàn khoan dầu khí (DK2) cũng đăng ký gọi điện thoại qua mạng này. Suốt 15 tháng ở nhà giàn, không ngày nào tôi không nhớ đất liền, dẫu vẫn biết nhớ cũng không về được, nhưng đó là qui luật tự nhiên. Tôi viết thư về nhà động viên vợ con bằng cách kể lại kỷ niệm ngày chúng tôi yêu nhau. Vợ tôi viết thư trả lời “em sinh con gái đầu lòng anh cũng không có mặt, sinh con trai được 10 ngày thì anh lại đi. Nhiều khi em tủi thân lắm. Nhưng anh giữ gìn sức khỏe, ở nhà đã có ông bà ngoại giúp đỡ rồi”.

Những ngày giáp Tết, nỗi nhớ đất liền càng trào dâng. Trong khi ở đất liền mọi người rộn ràng sắm Tết, thì chúng tôi ngóng về đất liền chờ tàu thay trực. Khi tàu chở quà Tết đến, điều tôi mong đợi không phải những gói quà xuân, mà mong thư của vợ con và được tiếp xúc với những người mới từ đất liền tới. Bữa cơm chia tay người về đất liền, người ở lại trong xúc động. Tàu hú ba hồi còi lượn một vòng rồi hướng đất liền tăng tốc, chúng tôi đứng trên lan can nhà giàn tạm biệt tàu bằng những cái vẫy tay.

Như qui luật của biển khơi, năm nào cũng thế, càng giáp Tết, sóng càng lớn, gió càng mạnh, nỗi nhớ đất liền càng thấm vào gan ruột. Tôi nhận ra một điều, những lúc thiêng liêng nhất, nhớ nhà nhất cũng là lúc tự hào và yêu đời nhất. Bởi tôi cảm nhận được niềm vinh quang của người lính đúng nghĩa của nó. Hình ảnh người lính hải quân ôm súng đứng gác giữa đảo xa lấp lánh trong tim tôi, và đó chính là sức mạnh tinh thần để tôi vượt qua gian khổ. Cũng như năm 1995, tôi đón Tết trong niềm khắc khoải nhớ đất liền. Những ngày Tết, ngoài chơi bóng bàn, chơi cờ và câu cá, tôi chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Rồi những ngày Tết cũng qua mau, một năm mới bắt đầu bằng chờ đợi chuyến tàu đầu tiên mang hơi ấm từ đất liền

15 tháng sau tôi được về đất liền. Tàu HQ 624 xuất phát từ Nhà giàn DK1/14 hải trình hơn 2 ngày đêm thì cặp cảng hải đội 812. Tôi và 6 chiến sĩ ngồi trên xe tải của đơn vị. Xe chạy qua nhà tôi, tôi thấy đứa trẻ chơi ngoài ngõ. Đoán là con mình, tôi tụt xuống, chạy đến đưa tay bế bé. Lúc ấy, vợ chạy từ nhà ra bảo: “Tuấn ơi, bố đấy”. Thằng bé nhìn tôi trân trân. Tôi kịp ôm con vào lòng, rồi phải vào tiểu đoàn ngay sau đó để báo cáo tình hình. Chiều hôm ấy tôi về thăm vợ con. Trong bữa cơm sum họp sau hơn một năm xa cách, con gái tôi dỗi hờn “sao bố đi lâu thế”, vợ tôi không giấu được vẻ chờ đợi, còn thằng con trai thì lạ lẫm nhìn tôi.

Lần về phép ấy tôi ở gần vợ con được 33 ngày, sau đó đi Nhà giàn DK1/14 và Nhà giàn DK1/10 với chức vụ Chính trị viên Nhà giàn. Cuối năm 2005, tôi được điều về phòng Chính trị Lữ đoàn 171 Hải quân công tác. Bây giờ tôi không còn công tác ở Nhà giàn DK1 nữa, nhưng ba lần đón Tết ấy không thể nào quên.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN