Tại các chợ đầu mối và đại lý
Tại các chợ đầu mối và đại lý trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, giá các mặt thực phẩm, hàng thiết yếu đang bắt đầu tăng nhẹ khi người tiêu dùng đẩy mạnh việc mua sắm Tết.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tết tại cửa hàng Công ty CP Lương thực Nam Trung Bộ.
Ảnh: Thanh Long
Mặt hàng được chú ý nhất là bánh, kẹo, mứt và nước giải khát. Khác biệt lớn nhất của Tết năm nay phải kể đến sự lên ngôi của hàng Việt. Chị Hồng Lam, một tiểu thương ở chợ Phan Rang, cho biết: Người dân mình bây giờ phần đông có tâm lý e ngại các sản phẩm in nhãn chữ nước ngoài nên tôi cũng chủ động nhập những sản phẩm trong nước và có thương hiệu. Giá cả có cao hơn chút ít nhưng bán chạy hơn. Nhiều tiểu thương cho biết thêm, số người đi tham khảo giá cũng khá nhiều, họ đến để so sánh giá các mặt hàng ở nhiều nơi rồi mới quyết định mua sắm nên lượng khách thực sự mua sắm đông sẽ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Do vậy giá cả các mặt hàng vào thời điểm hiện tại nhìn chung chưa tăng nhiều. Một số loại hàng hóa được mua nhiều như hạt dưa có giá 86.000 đồng/kg; hướng dương 75.000 đồng/kg; các loại mứt (gừng, khoai, bí, dừa…) giá từ 50.000-110.000 đồng/kg; mứt me 50.000-120.000 đồng/kg; mứt nho 150.000-220.000 đồng/kg. Các loại bánh, kẹo, thạch… có giá hợp lý.
Tuy vậy, với kinh nghiệm mua sắm nhiều năm, cô Diệp Thị Mười ở phường Mỹ Bình cho rằng: Đi mua bánh, kẹo thời điểm này, mình có thời gian so sánh giá và chọn hàng chất lượng chứ để cận Tết, giá tăng cao lại phải chen chúc nhau và chờ đợi, đôi khi một số hàng còn hết. Hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, trứng không để lâu được, chứ bánh, kẹo thì mình chú ý hạn sử dụng và chọn kỹ lưỡng một chút là được.
Những ngày giáp Tết, lượng khách mua sắm tại Siêu thị Co.opMart Thanh Hà tăng gấp đôi ngày thường.
Ảnh: Dạ Nguyệt
Bên cạnh hàng bánh, kẹo khá đa dạng thì thị trường giỏ quà tặng Tết Quý Tỵ cũng bắt đầu “rộn” lên, với các sản phẩm được tin dùng như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà... giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp và chất lượng bảo đảm. Theo chị Ngọc Mai, chủ tạp hóa Mai trên đường 21 Tháng 8 thì hàng Việt Nam rẻ hơn các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng, bao bì mẫu mã của các sản phẩm trong nước đã được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng nên ngày càng thu hút khách hàng. Chỉ với khoảng 300.000 đồng, khách hàng có thể mua được một giỏ quà đẹp chất lượng từ hàng Việt.
Không nhộn nhịp như các mặt hàng bánh, kẹo nhưng sự tăng giá đột biến của các loại trứng như thời điểm hiện tại cũng khiến người tiêu dùng lo ngại. Chị Linh, một tiểu thương ở chợ Phan Rang cho biết: “Đầu tháng Chạp, trứng vịt chỉ có 25.000 đồng/chục, nay tăng lên 40.000 đồng/chục, do nhiều người “ủ” hàng chờ gần Tết bán. Riêng trứng gà và trứng cút tăng nhẹ. Trứng gà ta có giá 28.000 đồng/chục, trứng cút 6.000 đồng/chục. Sức mua của các mặt hàng măng khô, hành, tỏi và rau, củ, quả nhìn chung tăng nhẹ. Theo dự kiến các mặt hàng này sẽ “nóng” lên trong những ngày áp Tết.
Tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà
Có mặt tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà không khí mua sắm Tết tại đây khá nhộn nhịp. Mặt hàng được khách hàng chọn mua nhiều nhất vẫn là bánh kẹo, mứt, trà, nước giải khát, thực phẩm khô và chế biến đóng hộp, quần áo…
Ông Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà cho biết: Hiện đơn vị có hơn 3.000 mặt hàng phục vụ bà con mua sắm trong dịp tết. Những ngày này lượng khách tăng gấp đôi ngày thường, tính bình quân mỗi ngày có khoảng 3.500 lượt khách tham quan, mua sắm với tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng, nếu vào thứ 7, chủ nhật thì đạt khoảng gần 2 tỷ đồng. Mặc dù, kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu chọn lựa sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu của khách hàng. Các mặt hàng tại siêu thị đều là hàng Việt Nam, chiếm trên 90%.
Giá các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, dầu ăn, bột ngọt, bột canh, thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng...cũng đã bắt đầu nhích dần lên, đặc biệt là mặt hàng bia, nước giải khát tăng cao do nhu cầu cao trong dịp Tết.
Tại các chợ nông thôn
Tại các chợ nông thôn, không khí mua sắm chuẩn bị Tết cũng sôi động không kém khu vực thành thị. Ở hầu hết các chợ, lượng hàng hóa bày bán rất nhiều, nhất là các mặt hàng quần áo, đồ gia dụng,… giá cả khá “mềm”.
Theo ghi nhận, một số sản phẩm đặc trưng ngày Tết cũng đang dần được thay thế theo hướng tiện lợi và đa dạng hơn. Đơn cử như cốm nếp đã dần vắng bóng tại các chợ quê. Một tiểu thương giải thích: 1kg nếp làm cốm có giá 40.000 đồng, làm ra được khoảng 50 viên cốm loại vừa. Tuy nhiên, nhiều gia đình chọn mua các gói cốm làm sẵn với giá 30.000 đồng/10 viên loại vừa hoặc 15.000 đồng/ 10 viên loại nhỏ. Các gói cốm này được gói bọc bắt mắt, nhiều mùi vị khác nhau, vừa tiện lợi, lại đỡ tốn công, chủ yếu để bày biện trên bàn thờ gia tiên.
Chị Võ Thị Chương, chủ một tạp hóa ở thôn Ninh Qúy 2, xã Phước Sơn (Ninh Phước) cho biết: Từ đầu tháng Chạp, tôi đã lấy hàng tết về bán cho bà con ở đây. Ngoài các mặt hàng truyền thống như hạt dưa, bánh mứt, nước uống các loại, nhiều người cũng mua các giỏ bánh kẹo được gói đẹp mắt để làm quà biếu. Chị Chương cũng cho biết thêm, giá các mặt hàng không tăng nhiều so với năm ngoái và người tiêu dùng nông thôn ngày càng “thông minh” và khó tính hơn trong lựa chọn sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu (Ninh Phước) cho biết: Dạo này có nhiều thông tin về sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên khi mua hàng, tôi phải xem thật kỹ, không có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng là nhất quyết không mua.
Nhóm PV