Hàng loạt trường cắt giảm ngành kinh tế
Nhiều trường ĐH tại TPHCM thực hiện việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành kinh tế theo chủ trương của Bộ GD-ĐT do nguồn nhân lực các lĩnh vực này đã dư thừa. Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết trường cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 khối ngành kinh tế hệ ĐH gồm ngành quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, kế toán. Theo đó, mỗi ngành chỉ tuyển 200 sinh viên (giảm từ 150 – 170 chỉ tiêu so với năm 2012). Riêng hệ CĐ, trường tạm ngưng tuyển sinh 3 ngành quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, kế toán; chỉ tiêu hệ CĐ giảm 1.400 so với năm 2012.
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 có thêm nhiều ngành học mới
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng giảm 750 chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH. Trong đó, các ngành như tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán có chỉ tiêu giảm mạnh nhất. Cụ thể: ngành tài chính ngân hàng tuyển 650 chỉ tiêu (giảm 450 chỉ tiêu), ngành quản trị kinh doanh 350 chỉ tiêu (giảm 150 chỉ tiêu), kế toán 300 (giảm 150 chỉ tiêu). Trường ĐH Tài chính Marketing quyết định ngừng tuyển sinh các ngành hệ CĐ trong năm 2013.
Thêm nhiều ngành học mới
Nhiều trường Đại học Cao đẳng tại TPHCM đã và đang mở thêm nhiều ngành mới tuyển sinh trong năm nay,đó là các trường sau:
- ĐH Quốc gia TP.HCM vừa được Bộ cho phép mở thêm 2 ngành là kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro (Trường ĐH Quốc tế) và ngành an ninh thông tin (Trường ĐH Công nghệ thông tin).
- Trường ĐH Y Dược TP.HCM: sẽ tuyển thêm 100 chỉ tiêu ngành dược bậc CĐ, xét tuyển kết quả từ thí sinh dự thi ĐH khối B tất cả các trường trong cả nước.
- Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến sẽ tuyển sinh thêm ngành thương mại điện tử (khối A, A1 và D1).
- Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Mở thêm chuyên ngành kỹ thuật nền móng và công trình ngầm (thuộc ngành kỹ thuật công trình xây dựng). Trường này cũng đổi tên chuyên ngành quy hoạch giao thông thành quy hoạch và thiết kế công trình giao thông (thuộc ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông); tách chuyên ngành xây dựng cầu đường thành 2 chuyên ngành mới là xây dựng cầu hầm và xây dựng đường bộ (thuộc ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông).
- Trường ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2) cũng tuyển sinh thêm các ngành: cầu đường bộ - tiếng Anh, kế toán tổng hợp - tiếng Anh (chương trình chất lượng cao); điện điện tử - tiếng Anh, vật liệu và công nghệ Việt-Pháp (chương trình hợp tác quốc tế).
- Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (cơ sở TP.HCM): Tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc, cho biết sẽ tuyển sinh thêm ngành truyền thông đa phương tiện (khối A, A1) và chuyên ngành an toàn thông tin của ngành công nghệ thông tin (khối A và A1).
- Trường ĐH Lạc Hồng: Theo thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng, trường vừa được cho phép mở ngành dược sĩ. Dự kiến trường sẽ tuyển 120 chỉ tiêu cho ngành học này.
- Trường ĐH Hoa Sen: Có ngành học mới là kỹ thuật phần mềm (200 chỉ tiêu). Trường cũng đang xin phép mở thêm 2 ngành khác thiết kế nội thất và quản trị công nghệ môi trường (mỗi ngành 70 chỉ tiêu).
- Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: mở thêm 3 ngành mới: kinh doanh quốc tế, marketing (trước đây là chuyên ngành trong ngành quản trị kinh doanh) và kiểm toán (trước đây là chuyên ngành nằm trong ngành kế toán).
- Trường ĐH Tài chính - Marketing: Dự kiến mở thêm 2 ngành là quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành và quản trị nhà hàng - dịch vụ ăn uống.
Nhiều trường ĐH tại các địa phương cũng dự kiến mở thêm một số ngành mới đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương như: Trường ĐH Tây Nguyên có các ngành công nghệ môi trường, công nghệ sinh học và kinh tế; Trường ĐH Y Dược Cần Thơ sẽ tuyển mới ngành bác sĩ y học cổ truyền…
10 trường tuyển sinh riêng
Bộ GD&ĐT vừa công bố Đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật.
Ở khối này, các trường tuyển sinh ngành khối Văn hóa (khối C), chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề chung của Bộ GD&ĐT.
Những trường tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): Môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.
Môn năng khiếu do Hiệu trưởng quyết định. Để tổ chức thi các môn năng khiếu này, hiệu trưởng các trường lập Đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 31/1/2013.
10 trường được thi tuyển sinh riêng theo Đề án này gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH sư phạm Nghệ thuật Trung ương, CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.
Trong đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối Văn hóa- Nghệ thuật vừa được Bộ GD&ĐT công bố, quy định hai đối tượng được xét tuyển thẳng vào khối ngành Văn hóa - Nghệ thuật.
Cụ thể: Học sinh tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp, đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các Hội thi, Hội diễn, Liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương được tuyển thẳng vào đại học theo đúng ngành mà thí sinh đoạt giải.
Học sinh đã tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp, đoạt giải khuyến khích tại các Hội thi, Hội diễn, Liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương, được tuyển thẳng vào cao đẳng theo đúng ngành mà thí sinh đã đoạt giải.
Việc bảo lưu kết quả đối với thí sinh đoạt giải nhưng chưa tốt nghiệp THPT và thời gian được tính để hưởng xét tuyển thẳng thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy hiện hành.
Tuyển sinh 150.000 chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy
Bộ GD&ĐT vừa cho biết, chỉ tiêu tuyển mới năm 2013 dự kiến như sau: Tiến sĩ: 1.350; Thạc sĩ: 27.000, tăng khoảng 5%; ĐH chính quy: 133.000; Liên thông, văn bằng 2 chính quy: 30.000; Vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 hình thức vừa học vừa làm: 66.500; Đào tạo từ xa: 40.000.
CĐ hệ chính quy: 17.000; Liên thông, văn bằng 2 chính quy: 4.800; Vừa học vừa làm, liên thông theo hình thức vừa học vừa làm: 2.000; TCCN hệ chính quy dự kiến tuyển mới 7.200.
Nguồn VnMedia Online