Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, đồng thời bổ sung vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là sự khẳng định chủ trương của Đảng theo tinh thần Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 về phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vai trò này của Mặt trận được Nhà nước quy định thành thể chế chính trị trong chương đầu tiên của bản Hiến pháp. Tuy nhiên, nội dung này cũng nhận được nhiều góp ý.
Tại khoản 2, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.
Giáo sư Lư Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ-Pháp Luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã có nhiều cố gắng thể hiện vai trò trong việc giám sát, phản biện nhiều vụ việc được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy chế để Mặt trận thực hiện vai trò giám sát và phản biện. Vì thế, Hiến pháp 1992 sửa đổi cần quy định rõ: MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Giáo sư Lưu Văn Đạt khẳng định: “Từ năm 1992 cho đến bây giờ thay đổi nhiều nhưng tư duy vẫn cũ. Do đó, theo tôi, cơ bản viết lại điều 9. Phải khẳng định MTTQ Việt Nam đại diện cho quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Như vậy là có trách nhiệm bảo vệ lợi ích và quyền lợi hợp pháp của công dân. Những vấn đề oan sai trong xã hội phải giám sát và có ý kiến để giải quyết”.
Giám sát và phản biện xã hội có mối quan hệ chặt chẽ trong quá trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Đỗ Duy Thường, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khẳng định như vậy. Ông Thường nói: Giám sát có hiệu quả là cơ sở cho các hoạt động phản biện và ngược lại. Nhân dân giám sát và phản biện là thể hiện việc phát huy dân chủ trực tiếp. Mặt trận giám sát và phản biện là thể hiện việc phát huy dân chủ đại diện. Kết hợp chặt chẽ hai hình thức này sẽ tạo nên sức mạnh của nhân dân và của Mặt trận trong xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, góp phần xây dựng cơ quan nhà nước, chính quyền ngày càng trong sạch. Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thường cũng cho rằng: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp viết về phạm vi đối tượng giám sát và phản biện gộp làm một là chưa chính xác, rõ ràng. Vì phạm vi đối tượng giám sát là hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức, trong khi phạm vi đối tượng của phản biện xã hội là những dự thảo chủ trương của Đảng, dự án và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành Tôi cho rằng phải viết cho đầy đủ, rõ ràng là: "Giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức”. Tiếp đến là “Phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.” Viết như vậy thì phạm vi, đối tượng của phản biện rõ hơn và giám sát hoạt động đúng Hiến pháp. Như vậy vừa đúng với Hiến pháp 1992 hiện hành về giám sát và chủ trương mới của Đảng về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời là cơ sở đối với việc cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật sau này.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng sự đồng thuận xã hội, động viên nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, đưa các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội cũng là việc thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Nguồn VOV Online