Trường TH Tuấn Tú thuộc địa bàn xã bãi ngang ven biển, 85% học sinh là con em đồng bào dân tộc Chăm. Đời sống khó khăn nên phụ huynh còn ít quan tâm đến việc học của con cái, phần lớn đều “khoán trắng” cho thầy, cô giáo. Năm 2006, khi trường mới được xây dựng chỉ là dãy phòng học nằm giữa đồi cát. Không cây xanh, không sân chơi, con đường vào trường còn khó khăn. Đây cũng chính là lý do làm không ít cán bộ, giáo viên của trường chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình; học sinh chán nản, bỏ học; chất lượng giáo dục nằm trong số những trường thấp nhất huyện.
Học sinh Trường Tiểu học Tuấn Tú trong giờ sinh hoạt đọc sách tại thư việc thân thiện ngoài trời.
Ảnh: Bích Thủy
“Để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng tôi xác định trước hết phải tạo được môi trường giáo dục thu hút học sinh. Chính vì vậy, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT-HSTC) được nhà trường xem như là “kim chỉ nam” để nâng cao chất lượng dạy và học”- Cô Nguyễn Thị Yên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Một trong những nội dung của phong trào xây dựng THTT-HSTC được trường đặc biệt chú trọng chính là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Trước hết, nhà trường kêu gọi, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ để sửa chữa các phòng học cũ, làm nhà để xe, xây dựng tường rào, bê-tông hoá sân trường…. Đến nay, tổng số tiền huy động được từ xã hội hóa giáo dục gần 100 triệu đồng.
Để tạo môi trường thân thiện cho học sinh, trường phát động phong trào trồng cây xanh, trồng và chăm sóc bồn hoa, trang trí phòng học, làm thư viện ngoài trời…Vì kinh phí hạn hẹp, hầu hết các chậu hoa, cây xanh trong sân trường đều do thầy, cô giáo hoặc học sinh sưu tầm, mang từ nhà đến góp xanh cho trường… Đặc biệt, khi đến thăm Trường TH Tuấn Tú, chúng tôi được chứng kiến những hình ảnh đẹp “vì học sinh thân yêu” khi chính các thầy, cô giáo cũng ra vườn nhổ cỏ, chăm sóc cây cảnh với học sinh…
Với phương châm “ Lấy học sinh làm trung tâm” các thầy, cô giáo của Trường TH Tuấn Tú đã sáng tạo nhiều phương pháp dạy học mới, tích cực sử dụng đồ dùng dạy học phù hợp với từng bài dạy; tổ chức cho học sinh cùng nhau làm nội dung trang trí phòng học: như bảng hoa điểm tốt, sinh nhật của bạn, các khẩu hiệu…
Từ tư tưởng “khoán trắng” việc học cho nhà trường, đến nay, phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con cái và chung tay xây dựng trường lớp. Từ năm học 2011-2012 đến nay, phụ huynh của trường đã ủng hộ được gần 13 triệu đồng giúp sửa chữa phòng học, làm sân trường, trồng cây xanh… Chính quyền thôn Tuấn Tú cũng nhiệt tình ủng hộ bằng việc huy động ngày công và hỗ trợ bằng đất cát, nguyên vật liệu để san lấp mặt bằng, xây dựng khuôn viên trường đẹp hơn.
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục mà chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo trường được thay đổi rõ nét. Chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt, tình trạng bỏ học giữa chừng được khắc phục. Năm học 2012-2013, trường có 16 lớp với 244 học sinh, trong đó có 6 lớp với 148 học sinh được học 2 buổi/ngày và ăn trưa tại trường do chương trình SEQAP tài trợ. Tỷ lệ duy trì sĩ số đến cuối học kỳ I đạt 100%; 56,2 % học sinh xếp loại khá, giỏi. Trường TH Tuấn Tú thực sự là “ngôi nhà thứ 2” của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh nơi đây.
Bích Thủy -Minh Khai