Theo đó, ngành tài chính các địa phương phải tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; có biện pháp tăng cường đưa hàng hóa nhất là hàng hoá thuộc Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư.
Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Chủ động có phương án đề xuất để giãn thời gian điều chỉnh giá trong dịp tết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương như giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…
Các cơ quan tài chính cũng cần đẩy mạnh việc tham mưu cho UBND tỉnh chủ động dành nguồn tập trung cho các nhiệm vụ chi NSNN, đặc biệt là chi cho con người và xử lý các nhu cầu cấp thiết về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương trong dịp Tết nguyên đán. Phối hợp với Cục Thuế tăng cường quản lý thu, kiểm soát thu NSNN; thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm; rà soát, sắp xếp lại, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, hạn chế tối đa việc bổ sung dự toán và ứng vốn.
Công điện cũng nhắc nhở các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị trong hệ thống ngành tài chính từ trung ương đến địa phương như Thuế, Hải quan, Kho bạc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.
Nguồn VOV.VN