Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Tỉnh ủy Điên Biên Lò Mai Trinh làm việc
với lãnh đạo TP Điện Biên Phủ. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Điện Biên là địa phương đầu tiên Đoàn công tác Trung ương đến làm việc để đánh giá kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ những buổi làm việc với các địa phương, đoàn công tác sẽ lấy đó làm cơ sở thực tế báo cáo Trung ương để tiến tới xây dựng một Nghị quyết mới về văn hóa, dự kiến sẽ ban hành ngay trong khóa XI.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh cho biết tỉnh có 19 dân tộc anh em sinh sống với kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú. Điện Biên cũng là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, lễ hội dân tộc truyền thống và nhiều lễ tục cổ truyền còn được lưu giữ. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng, tạo nên nét độc đáo của văn hoá Tây Bắc trong nền văn hoá Việt Nam.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), tỉnh Điện Biên đã nghiên cứu, phát triển văn hóa các dân tộc Cống, Mảng, La hủ, Si la, Hà Nhì, Lự; sưu tầm, gìn giữ những tác phẩm ''Chuyện kể bản Mường'', ''Lạn Chượng'', ''Sống chụ xon xao'', ''Tản chụ xiết xương''...; khôi phục và duy trì một số lễ hội như: Lễ hội Hoàng Công Chất (được tổ chức mỗi năm một lần ở xã Noong Hẹt, Điện Biên); lễ hội ''Kin Lẩu Búa'', dân tộc Thái, ''Lễ cưới'' dân tộc Hà Nhì'', ''Xék Pang Ả'' của dân tộc Kháng, ''Khlăng Khủa'' của dân tộc Mông...
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao lưu văn nghệ với bà con dân tộc tại bản văn hóa
Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy sức sống của tiếng Thái, tiếng Mông, tỉnh Điện Biên đã triển khai Đề án dạy tiếng Thái và tiếng Mông cho học sinh, đồng thời tổ chức nhiều lớp học tiếng Mông cho cán bộ và chiến sỹ lực lượng vũ trang tăng cường xuống cơ sở cũng như tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước bằng tiếng của đồng bào các dân tộc (như tiếng Thái, Mông, Hà Nhì).
Các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì được bà con các dân tộc đón đợi hàng ngày. Các hủ tục trong ma chay, cưới xin (tảo hôn, thách cưới) đã được khắc phục và điều chỉnh theo hướng phù hợp với chuẩn mực văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, giới trẻ Điện Biên cũng rất quan tâm tới những bộ phim tài liệu phản ánh các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phim lịch sử có giá trị. Điều này đã được thể hiện rõ sau sự kiện 40 năm kỷ niệm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên phủ trên không vừa qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao tỉnh Điện Biên đã quán triệt và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Từ thực tế của Điện Biên, Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2013 sẽ tổ chức điều tra xã hội học và khảo sát về văn hóa dân tộc trên toàn quốc; báo cáo tổng kết về việc xây dựng và sử dụng hệ thống nhà văn hóa ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước theo hướng sát hợp, tiết kiệm và phù hợp với từng khu vực địa lý và dân tộc.
Đoàn công tác đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia đồi A1.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị xây dựng Đề án làm rõ vai trò và đánh giá tổng thể tác động của thông tin và truyền thông trong tuyên truyền văn hóa dân tộc, từ đó đưa văn hóa Việt Nam đến nhanh và bền vững với bà con dân tộc thiểu số thông qua công nghệ thông tin và truyền thanh, truyền hình; Bộ VHTTDL chuẩn bị hệ thống trang phục dân tộc của cả nước, tiến tới đưa trang phục truyền thống thành một loại quà tặng, sử dụng trong hoạt động văn hóa của quốc gia.
Riêng với tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng gợi ý cần đưa trò chơi ném còn trở thành sản phẩm văn hóa và du lịch của các địa phương Tây Bắc.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã đến làm việc tại phường Mường Thanh, bản văn hóa Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ) về một số nội dung liên quan tới đời sống văn hóa của nhân dân địa phương.
Nguồn www.chinhphu.vn