Mô hình Cộng đồng an toàn bao gồm: ngôi nhà an toàn và trường học an toàn được triển khai từ năm 2009 tại 3 thôn và 4 trường học của xã. Nhằm hạn chế những TNTT đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ em, các CTV tiến hành tuyên truyền bằng nhiều hình thức như xây dựng cụm pa-nô, các biển cấm về phòng chống TNTTTE, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh…
Trường Mẫu giáo Phương Hải đạt tiêu chí trường học an toàn.
Ngoài ra, các CTV còn đến trực tiếp từng hộ gia đình có trẻ em để tuyên truyền về những nơi thường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNTT, vận động nhân dân thực hiện các giải pháp phòng chống như thường xuyên phát quang bụi rậm che khuất tầm nhìn tại các ngã ba, ngã tư, không cho trẻ em đến chơi ở những nơi có nguy cơ đuối nước…, hướng dẫn gia đình xây dựng ngôi nhà an toàn theo các tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó, các trường học tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong những buổi sinh hoạt, trong giờ chào cờ, biểu diễn văn nghệ nhằm tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ về nguy cơ gây TNTT tại cộng đồng, qua đó đưa ra các giải pháp thiết thực để phòng ngừa.
Nhờ tích cực làm tốt công tác tuyên truyền và chủ động thực hiện các giải pháp, đến nay toàn xã có 4/4 trường đạt tiêu chí trường học an toàn theo quy định; 559 hộ/808 hộ đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn (chiếm 69,1%). Số trẻ em bị TNTT trên địa bàn giảm đáng kể qua các năm. Nếu như năm 2008, khảo sát trên toàn xã có 31 trường hợp trẻ em bị TNTT thì đến nay chỉ có 9 trường hợp, chủ yếu do té ngã và bị súc vật cắn. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở địa phương cũng được thực hiện khá tốt. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 96,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 23,1%; 100% trẻ sinh ra được cấp thẻ BHYT; phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%...
Chị Đinh Thị Dung, cán bộ chuyên trách về trẻ em xã Phương Hải cho biết, việc triển khai thực hiện mô hình xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống TNTTTE thực sự mang lại hiệu quả thiết thực; Đã làm cho nhận thức của nhân dân chuyển biến rõ rệt, giúp người dân kiểm soát được những nguy cơ xảy ra TNTT cho trẻ em và có biện pháp phòng tránh, nhờ đó giảm đáng kể số trẻ em bị TNTT xảy ra trên địa bàn.
Từ những hiệu quả đạt được, mô hình cần được nhân rộng để mọi người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn có ý thức quan tâm hơn đến con em mình, giảm thiểu những TNTT đáng tiếc có thể xảy ra, mang lại cho các em một cuộc sống tốt đẹp, an toàn hơn.
Lan Phương