Trường Sa - điểm tựa của ngư dân bám biển

Huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà) từ lâu đã là điểm tựa, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân giữa biển khơi với âu tàu tránh bão ở đảo Song Tử Tây, bệnh xá trên các đảo chữa trị miễn phí cho ngư dân, với tàu hải quân sẵn sàng tiếp tế nước ngọt, chia sẻ gạo khi ngư dân cần...

Quân và dân Trường Sa bao năm qua đã cùng ngư dân bám biển, giữ ngư trường!

Mưa bão đã có âu tàu Song Tử Tây

Ngày 15.12, tàu cá mang số hiệu PY-92502TS với 11 thuyền viên đang câu mực ở khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa thì đột ngột gãy chân vịt và trôi dạt trên biển. Chủ tàu Phan Văn Ảnh phát tín hiệu cầu cứu, sau đó được 4 tàu bạn thay phiên lai dắt, kéo vào âu tàu ở đảo Song Tử Tây, thuộc xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, Khánh Hoà. Đội sửa chữa của âu tàu nhanh chóng sửa chữa, làm mới bánh lái, lắp ráp chân vịt cho tàu cá. Chủ tàu rưng rưng: “11 anh em chúng tôi như người sắp chết đuối vớ được cọc, nếu không có âu tàu thì sẽ khốn khổ chừng nào. Chúng tôi không biết lấy gì để cảm ơn các anh ở âu tàu Song Tử Tây”.

 
Tàu vào tránh bão, sửa chữa, tiếp nhiên liệu ở âu tàu đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, Khánh Hoà.
Ảnh: Trịnh Xuân Tô

“Không biết lấy gì để cảm ơn...” cũng là lời của hàng trăm chủ tàu khác mỗi khi được Đội dịch vụ âu tàu Song Tử Tây hỗ trợ. Thiếu tá Trần Đức Phong - Đội trưởng Đội dịch vụ âu tàu - cho biết: “Âu tàu Song Tử Tây đưa vào hoạt động từ năm 2009, thuộc Cty 128 Hải quân, là âu tàu duy nhất ở huyện đảo Trường Sa. Đây là nơi bổ sung nhiên liệu, tiếp tế cho tàu đánh cá của ngư dân và tàu làm nhiệm vụ. Vào mùa mưa bão, âu tàu là nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền khu vực biển Trường Sa”.

Năm đầu tiên hoạt động, âu tàu đón 54 lượt tàu đánh cá. Qua các năm sau, số lượng tàu đánh cá của ngư dân vào âu tàu tăng dần: Năm 2011 có 154 lượt tàu, năm 2012 có 448 lượt tàu. Và trong bão số 1 vừa qua, âu tàu Song Tử Tây đã đón trên 70 tàu cá vào tránh bão, sửa chữa, tiếp nhiên liệu... “Gọi là đội dịch vụ nhưng mọi công tác sửa chữa tàu cá được đội thực hiện miễn phí, chỉ có dầu, gạo thì bán bằng giá với đất liền” - thiếu tá Nguyễn Đăng Định - Đội trưởng Đội dịch vụ hậu cần nghề cá - nói.

“Tiếp xúc với ngư dân mới thấy hết nỗi vất vả của họ. Có những tàu lênh đênh trên biển hàng tháng trời, khi đến âu tàu, bước chân lên đảo họ bỗng khóc oà. Anh em trong đội dịch vụ và ngư dân ôm nhau như người thân từ lâu lắm, nỗi nhớ đất liền của chúng tôi cũng nguôi ngoai, đất liền với đảo như không còn khoảng cách”.

 
Bệnh xá đảo Song Tử Tây mổ cấp cứu ngư dân Trần Văn Thông
(ảnh: Bệnh xá Song Tử Tây cung cấp).

Trung tá Vũ Hữu Nguyên - Chỉ huy Đội dịch vụ âu tàu - tiếp lời: “Không thương sao được khi vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ngư dân vẫn giương buồm ra khơi, bám biển, giữ ngư trường, giữ đảo, giữ tấm lá chắn, phên giậu của tổ quốc”.

Trung tá Trịnh Xuân Tô - Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây - vừa cho chúng tôi xem những đoạn clip, những bức ảnh quân và dân đảo Song Tử Tây cùng nhau hò hét, dốc sức kéo tàu của ngư dân vào âu, vừa kể: “Khi nhận được tín hiệu tàu cá mắc nạn ở xa, Đội dịch vụ âu tàu sẽ cho tàu cứu hộ ra lai dắt vào. Còn khi tàu vào âu tàu rồi, di chuyển những đoạn ngắn thì huy động quân và dân của đảo ra kéo. Nhiều ngư dân cho biết, khi có âu tàu Song Tử Tây họ yên tâm hơn, hết lương thực, hết dầu, hết nước không sợ, tàu hư cũng không đáng ngại nên càng ngày càng có nhiều tàu cá ra vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa hoạt động dài ngày”.

Sống sót nhờ bệnh xá của Trường Sa

Từ khi có âu tàu Song Tử Tây, bệnh xá của xã đảo nhỏ cũng hoạt động nhộn nhịp hơn. Theo ThS-BS - đại uý Kiều Đức Vinh - Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Song Tử Tây - thì trong năm 2012 có hơn 700 ngư dân vào bệnh xá để khám, xin cấp thuốc. “Nặng có, nhẹ có, cần phẫu thuật, gây mê cũng có, cơ sở vật chất mình tới đâu mình làm tới đó, anh em trong bệnh xá chỉ biết cố gắng hết sức để giúp bà con ngư dân qua hoạn nạn” - bác sĩ Vinh nói. Đang chuyện thì điện thoại bệnh xá đổ chuông. Đầu dây bên kia là ngư dân Trần Văn Thông, ngụ thôn Long Thuỷ, xã An Phú, Tuy Hoà, Phú Yên, thuyền viên tàu cá PY-92122TS báo đã về đất liền an toàn, gia đình đang chuẩn bị đưa anh Thông lên bệnh viện để khám theo lời dặn của bác sĩ Bệnh xá Song Tử Tây.

 
Ngư dân bám ngư trường an tâm hơn vì được quân dân Trường Sa hỗ trợ.

Trước đó, ngày 23.12.2012, ngư dân Trần Văn Thông trong khi xay đá lạnh để ướp cá đã bị lưỡi cưa máy xay cuốn bàn tay phải vào. “Lúc đó tôi thấy máu túa ra dữ dội rồi ngất lịm, tỉnh dậy nghe mọi người kể lại rằng vì máu ra quá nhiều, về đất liền thì mất 3 ngày, trong khi tàu chỉ cách đảo Song Tử Tây gần 30 hải lý nên thuyền trưởng cho tàu chạy về đấy để xin được giúp đỡ” - anh Thông kể với tôi qua điện thoại. Bác sĩ Vinh nhớ lại: “Mất nhiều máu, mạch đập yếu, thân nhiệt giảm nên khi Thông vào tới bệnh xá thì nguy cơ tử vong đã rất cao. Phải cắt bỏ ngay bàn tay giập nát bị hoại tử để kịp cứu lấy cánh tay, cứu Thông. Nhưng bệnh xá không có máu tiếp, thế là các chiến sĩ trên đảo xung phong tiếp máu cho Thông”.

Ngoài cấp cứu, bệnh xá còn phẫu thuật ruột thừa, điều trị nhồi máu cơ tim... cho ngư dân. “Chúng tôi nhớ mãi ngư dân Ngô Văn Say, anh ấy được thuyền đưa vào đây vì đau bụng. Sau khi tiếp nhận chúng tôi chẩn đoán là viêm ruột thừa nên cho phẫu thuật ngay. Điều trị gần 1 tuần, việc ăn uống cho anh ấy và 2 người bạn chăm sóc đã có bệnh xá và quân dân trên đảo lo hết. Đến ngày xuất viện, chào tạm biệt nhau rồi mà anh ấy cứ đi ra đi vào không chịu xuống thuyền. Tôi hỏi thì anh ấy bảo là không biết lấy tiền đâu để trả cho bác sĩ. Mấy anh em cười oà, ở đây chữa trị miễn phí cho bà con ngư dân, anh ấy không phải lo. Anh ấy cứ ôm chầm lấy tôi, chạy xuống ghe lấy mấy con cá ngừ câu được đem lên tặng”. Nhóm 2 bác sĩ, 6 y sĩ của Bệnh xá Song Tử Tây tranh nhau vừa kể chuyện Say loay hoay lo tiền trả bác sĩ, vừa cười vang cả bệnh xá.

Trong ngày đổi quân ở Bệnh xá đảo Sơn Ca, huyện Trường Sa, nội dung đầu tiên của buổi bàn giao là truyền đạt kinh nghiệm điều trị giảm áp do lặn sâu. Trung uý - y sĩ Nguyễn Văn Hoàng- chia sẻ với êkíp bác sĩ mới nhận nhiệm vụ: “Bệnh xá chủ yếu chữa trị cho ngư dân, bệnh hay gặp nhất là giảm áp do lặn sâu dẫn đến liệt chi, đau bụng, bí tiểu tiện..., nếu không chữa trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến tử vong do có bóng khí trong máu”. Điều trị giảm áp do lặn sâu thường chỉ phổ biến ở vùng biển đảo, nên các bác sĩ, y sĩ ra đảo công tác cần bổ sung ngay kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để cứu ngư dân gặp nạn. Bệnh nhẹ như viêm da, sốt xuất huyết, viêm giác mạc, dạ dày... bệnh xá đảo cấp 2 chủ động điều trị, ca nào nặng các bệnh xá này xử lý ban đầu rồi chuyển lên bệnh xá đảo cấp 1 như Nam Yết, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây. Trong năm qua, Bệnh xá đảo Sơn Ca, Bệnh xá đảo Nam Yết chữa trị cho hàng trăm lượt ngư dân hoạt động trên ngư trường Trường Sa.

“Khi xây dựng các bệnh xá trên đảo, đưa bác sĩ, y sĩ ra đảo ngoài mục đích khám-chữa bệnh cho quân, dân trên đảo thì ngư dân là đối tượng được quan tâm hàng đầu. Hiện nay 9 đảo nổi từ cấp 1 đến cấp 3 của huyện Trường Sa đều có bệnh xá. 3 đảo cấp 1 là Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Nam Yết là bệnh xá của khu vực, ở đây có 2 bác sĩ chuyên khoa và 6 y sĩ, bệnh nhân nặng được đưa về đây để chữa trị.

Còn các đảo cấp 2 thì có 1 bác sĩ và 3 y sĩ, đảo cấp 3 có 1 bác sĩ hoặc y sĩ. Mỗi năm các bệnh xá điều trị cho hàng trăm ngàn lượt ngư dân. Cứu giúp ngư dân trên biển là truyền thống của hải quân VN vì ngư dân chính là lực lượng cùng với các chiến sĩ giữ đảo, giữ biển” - đại tá Nguyễn Bá Ngọc - Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân - khẳng định.

Nguồn Báo Lao động