Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tăng cường quản lý hoạt động mỹ thuật

Tiếp tục phiên họp thứ 14, chiều 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xây dựng “Nghị định về hoạt động mỹ thuật” và việc ban hành “Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam.”

Phiên họp thứ 14 của UBTVQH khai mạc sáng 14/1. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo “Nghị định về hoạt động mỹ thuật”, thực tiễn hoạt động mỹ thuật và quản lý hoạt động mỹ thuật cho thấy các quy định về quản lý hoạt động mỹ thuật ban hành trước đây đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế về phạm vi bao quát và tầm hiệu lực nên đã hạn chế hiệu lực và hiệu quả quản lý, nếu không được sửa đổi, bổ sung và nâng tầm hiệu lực bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì việc tổ chức và quản lý hoạt động mỹ thuật sẽ gặp nhiều bất cập, các tiêu cực phát sinh gây tác động không tốt trong xã hội. Vì vậy, việc ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật là rất cần thiết. Dự thảo “Nghị định về hoạt động mỹ thuật” gồm 6 chương 42 điều.

Nghiên cứu Hồ sơ “Nghị định về hoạt động mỹ thuật”, Thường trực Ủy ban (TTUB) Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải xây dựng Nghị định nhằm nâng cao hiệu lực pháp luật và đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện cho hoạt động mỹ thuật phát triển đúng hướng.

Về quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng, TTUB nhất trí với Dự thảo Nghị định về sự cần thiết phải quy định quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng để việc xây dựng quy hoạch mang tính khả thi cao, Ban soạn thảo cần đưa ra những nguyên tắc cơ bản khi xây dựng quy hoạch như: bảo đảm sự thống nhất, hài hòa với các công trình xung quanh, phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương, có tính ổn định, công khai, minh bạch và khả thi...

Theo Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksoor Phước cho rằng, dự thảo Nghị định mới chỉ xoay quanh việc quy hoạch những tác phẩm, công trình công cộng do nhà nước đầu tư. Chủ nhiệm Ksoor Phước băn khoăn: “Trong thực tiễn, có nhiều cơ quan, doanh nghiệp làm tượng đài, tranh hoành tráng trong khuôn viên cơ quan mình, vậy có chịu sự chi phối của Nghị định này không?”.

Về sao chép tác phẩm mỹ thuật, TTUB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng mặc dù tên chương III: Cửa hàng, mỹ thuật (Gallery), sao chép, đấu giá, giám định tác phẩm mỹ thuật có phần sao chép tác phẩm mỹ thuật, tuy nhiên, cả chương này chỉ có một điều (Điều 18) quy định về điều kiện sao chép tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ. Đánh giá hiện tượng sao chép tác phẩm mỹ thuật đang có những diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm quản lý chặt chẽ, ông Đào Trọng Thi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung này vào Dự thảo Nghị định.

Nhất trí với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần nghiên cứu để quản lý hoạt động này sao cho đồng bộ với Luật Sở hữu trí tuệ. “Đây là biện pháp quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ khi sử dụng ở nơi công cộng.” – bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị nghiên cứu việc xử lý những tác phẩm đã sao chép sau khi Nghị định này được ban hành.

Cần thiết công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng

Cũng trong phiên họp chiều 14/1, UBTVQH cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam.

Theo TTUB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam là cần thiết để tôn vinh, giáo dục truyền thống và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các lễ kỷ niệm và tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động này.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, do đó, việc công nhận này hiện mang tính tự phát và thiếu thống nhất, được thực hiện bởi nhiều cấp thẩm quyền khác nhau.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng được thực hiện một cách thống nhất, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc, TTUB cơ bản nhất trí với Tờ trình số 268/TTr-CP của Chính phủ về sự cần thiết phải xây dựng “Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam”.

Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến TTUB băn khoăn về sự cần thiết ban hành Nghị định này, vì theo số liệu báo cáo của Bộ VHTT&DL thì thực tế đã có hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, trong đó hầu hết những ngày truyền thống, ngày kỷ niệm quan trọng cấp nhà nước đều đã được công nhận. Hơn nữa, việc ban hành Nghị định luật hóa toàn bộ ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, có thể sẽ làm phát sinh nhiều ngày truyền thống, ngày kỷ niệm gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động này.

Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc điều chỉnh đối với “ngày hưởng ứng” vì tại Thông báo kết luận số 52-TB/TW ngày 16/9/2011 về Đề án “Công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” của Ban Bí thư không đề cập đến “ngày hưởng ứng”.

Về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, TTUB này đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng phân cấp mạnh mẽ, giảm bớt quy định về thẩm quyền đối với Thủ tướng Chính phủ, tránh chồng chéo thẩm quyền giữa các cơ quan, bộ, ngành trung ương và địa phương; đơn giản hóa thủ tục hành chính./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam