Khai mạc phiên họp thứ 14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Sáng 14/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 14, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Phiên họp thứ 14 của UBTVQH khai mạc sáng 14/1. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tại kỳ họp này, UBTVQH sẽ thông qua Nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 5 dự án luật sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới: Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) và đặc biệt là dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về tổ chức, hoạt động và xây dựng cơ sở vật chất cho Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên UBTVQH tập trung hoàn thành tốt các nội dung lớn trong chương trình của phiên họp.

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm 5 chương, 45 điều, tập trung vào các nội dung quy định cụ thể chi tiết về giáo dục quốc phòng an ninh trong nhà trường; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh và phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh toàn dân. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định các nội dung về nhân lực, kinh phí và nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức cơ quan trong việc bảo đảm hoạt động giáo dục quốc phòng an ninh.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành dự thảo Luật. Tuy nhiên, ý kiến các thành viên UBTVQH còn băn khoăn một số vấn đề xung quanh tên gọi, phạm vi đối tượng, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự án luật không đề cập gì đến lĩnh vực “trật tự an toàn xã hội” trong khi đây chính là một phần quan trọng của “an ninh”. Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, Dự thảo Luật mới đề cập đến lĩnh vực quốc phòng.

Đề cập đến thời gian giáo dục quốc phòng và an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phòng và Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksoor Phước đều đề nghị cần quy định rõ thời gian học đối với từng đối tượng.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần nghiên cứu xác định rõ các phạm trù cụ thể như: Phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc hướng dẫn thi hành Luật này cần chi tiết cả về nội dung và phương pháp giáo dục để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với các đối tượng khác nhau.

Cũng trong sáng 14/1, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống khủng bố.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam