Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam mà chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi ngành, nghề kinh doanh này vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung mã mới.
Nghị định cũng quy định, doanh nghiệp nộp 1 bộ hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh khi thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh nộp 1 bộ hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký.
Ngoài ra, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và cơ quan thuế ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Kèm theo thông báo phải có quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ sau khi tiếp nhận thông báo tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký tạm ngừng hoạt động theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/2/2013.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam