VNEN là mô hình chuyển đổi từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học mới theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân của học sinh. Các trường tham gia dự án phải đảm bảo được các yêu cầu về cơ sở vật chất để có thể dạy học 2 buổi/ngày, có đội ngũ giáo viên nhiệt tình và tâm huyết.
Giáo viên lớp 3A, Trường TH Phước Bình B dạy học theo mô hình VNEN.
Đối tượng học sinh tham gia dự án là khối lớp 2 và lớp 3, tối thiểu phải thông thạo đọc hiểu tiếng Việt. Những yêu cầu mà dự án đưa ra cũng chính là những khó khăn, trở ngại của Trường TH Phước Bình B. Bởi học sinh của trường gần 100% đều là con em đồng bào dân tộc Raglai, các em đều rất nhút nhát và trình độ tiếp nhận cũng còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên của trường chủ yếu đều là từ nơi khác đến, đa số đều trẻ, nhiệt tình, tâm huyết nhưng còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng… và lại được điều động, luân chuyển thường xuyên. Với địa bàn điều kiện kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí thấp nên nhận thức và sự quân tâm của phụ huynh đến việc học của con cái còn rất hạn chế, trong khi để triển khai mô hình VNEN, lại rất cần sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn từ phụ huynh nói riêng và cộng đồng nói chung.
Khó khăn là vậy nhưng khi tìm hiểu và thấy được những lợi ích, ý nghĩa mà mô hình VNEN đem lại, tập thể Hội đồng Sư phạm Trường TH Phước Bình B đã đồng lòng, quyết tâm tham gia. Thầy Phạm Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi may mắn là có được sự nhiệt tình của đội ngũ giáo viên cùng sự đồng thuận, ủng hộ cao từ phía phụ huynh và chính quyền địa phương. Đó chính là niềm tin để nhà trường bắt tay vào khắc phục những khó khăn, đáp ứng được những yêu cầu dự án đặt ra nhằm đem lại một môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh.
Để sẵn sàng tham gia mô hình VNEN, ngay trong dịp hè, toàn bộ giáo viên của 2 khối lớp 2 và 3 đã tình nguyện ở lại trường để dạy phụ đạo tiếng Việt cho học sinh. Các giáo viên chủ nhiệm của các lớp triển khai thí điểm VNEN cũng tình nguyện cam kết gắn bó với trường, không chuyển công tác trong thời gian triển khai dự án.
Đến nay, Trường TH Phước Bình B có 2 lớp 2 và 2 lớp 3 triển khai dạy học theo mô hình VNEN. Toàn bộ 8 lớp, với 102 học sinh của cả 2 điểm trường đều được học 2 buổi/ngày. Theo đánh giá, mô hình dạy học mới đã thực sự phát huy được hiệu quả tích cực, mà chuyển biến rõ nhất là sự chủ động, mạnh dạn của học sinh.
Không chỉ riêng với các lớp được triển khai thí điểm mô hình VNEN mà để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, Trường TH Phước Bình B đã thống nhất xây dựng các chuyên đề ngay từ đầu năm học. Thu hút học sinh đến trường, tạo hứng thú, niềm yêu thích học tập cho học sinh là vấn đề được nhà trường quan tâm nhiều nhất. Thầy Phạm Ngọc Tuấn, cho rằng: Điều quan trọng nhất với bất kỳ một giáo viên nào lên công tác ở vùng miền núi đó là phải vận động được học sinh tới lớp và giữ chân các em ở lại trường, làm sao để các em nhớ sách vở, nhớ thầy cô và muốn tới lớp hàng ngày…
Để vận động học sinh, không còn cách nào khác là các thầy, cô giáo phải đến tận nhà và hiểu rõ hoàn cảnh, suy nghĩ của học sinh mình. Bên cạnh đó, trường cũng triển khai nhiều hoạt động học tập thú vị để tạo niềm hứng thú tới trường cho các em. Khuôn viên trường, thư viện, các phòng chức năng, đặc biệt là mỗi phòng học đều được trang trí rất đẹp mắt, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh. Và để những “Góc học tập”, “Hộp thư vui”, “Vườn hoa điểm tốt”… đẹp mắt, ấn tượng với học sinh thì đòi hỏi mỗi giáo viên của trường cũng vất vả vô cùng. Vì trường đóng cách xa khu vực trung tâm nên ngoài việc đòi hỏi sự khéo tay, sáng tạo trong cách thiết kế… các thầy, cô giáo còn phải vượt cả quảng đường rất xa để mua được các dụng cụ, vật liệu trang trí. Cũng chính nhờ có sự nỗ lực ấy mà những năm gần đây trường luôn duy trì được sỹ số học sinh ở mức 98-99%. Cô giáo Lê Thị Vân, người đã có 3 năm gắn bó với trường cho biết: “Những ngày cuối năm là thời điểm học sinh bỏ học cách nhật nhiều nhất. Có hôm học sinh nghỉ học, tìm đến nhà mới biết vì trời lạnh, các em không có dép đi, không có áo khoác nên phải ở nhà…”
Chia tay thầy trò Trường TH Phước Bình B, chúng tôi ấn tượng mãi với những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của học sinh, những bàn tay nhỏ xíu vẫy chào khách lạ, những lời chúc đi đường may mắn… Sự mạnh dạn, tự tin, gắn bó với trường lớp của các em học sinh và lòng yêu nghề, tâm huyết của thầy cô chính là tín hiệu vui để hy vọng về những kết quả nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi.
Bích Thủy