Trường Mẫu giáo Phước Thái có 6 điểm trường, trong đó điểm trường chính đóng tại thôn Như Bình, các điểm còn lại đóng ở các thôn: Hoài Trung, Hoài Ni, Thái Giao, Tà Dương, Đá Trắng. Địa bàn ở các điểm trường thuộc vùng nông thôn, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là thôn Tà Dương nơi định cư của đồng bào Raglai. Ngoài điểm trường chính cơ sở vật chất tạm ổn định, các điểm trường còn lại phòng ốc, trang thiết bị giáo dục, đồ chơi cho trẻ còn thiếu thốn.
Điển trường thôn Như Bình tổ chức bữa ăn trưa chu đáo cho trẻ 5 tuổi.
Ảnh: Thanh Quang
Những khó khăn trên ảnh hưởng đến công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Cô giáo Đàng Thị Kim Nhị, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện về huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, năm học 2009-2010 nhà trường tổ chức mở thí điểm 3 lớp bán trú, học 2 buổi/ngày nhưng kết quả đạt thấp, nhất là duy trì sĩ số trẻ đến lớp vào buổi chiều. Ban đầu, phụ huynh học sinh (PHHS) đưa trẻ đến lớp đông nhưng sau đó cứ rơi rớt dần, đến cuối năm học các lớp buổi chiều lâm vào tình cảnh “có cô nhưng không có trò”. Nguyên nhân trẻ không đến lớp vào buổi chiều là do PHHS bận rộn việc đồng áng không có thời gian đưa, đón con mỗi ngày 4 lượt.
Bước vào năm học 2011-2012, nhà trường đổi mới hình thức hoạt động, chủ trương mở các lớp học bán trú có tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường để học tốt buổi chiều. Vì trẻ ở mỗi gia đình, mỗi thôn có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nên để duy trì bữa ăn trưa tại trường cho trẻ, nhà trường áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt. Đối với những trẻ nằm trong diện khó khăn được hưởng chế độ hỗ trợ mỗi tháng 120.000 đồng thì nhà trường đứng ra tổ chức ăn cho trẻ. Trường hợp không nằm trong diện được hỗ trợ mà PHHS không có điều kiện đóng góp thì vận động họ mang cơm theo cho trẻ. Chính cách làm này, mà tất cả các trẻ đều được “ăn đủ bữa, đủ chất, ngủ đủ giấc” tại trường.
Ghi nhận của chúng tôi, ở điểm trường thôn Như Bình vì chưa có nhà bếp nên cô hiệu trưởng tự nhận nấu cơm trưa tại nhà cho các cháu. Riêng điểm trường thôn Tà Dương là điểm khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, PHHS góp thêm gạo, rau… để tăng chất lượng bữa ăn cho trẻ. Chúng tôi thực sự cảm động khi chứng kiến nhiều nghĩa cử cao đẹp vì học sinh thân yêu như giáo viên cho mượn nhà để làm phòng học, có những giáo viên hằng ngày lên lớp mang theo nồi cơm điện, gia vị để lo bữa ăn cho các cháu. Những lúc PHHS chưa chuẩn bị kịp tiền ăn trưa cho con em mình, các cô giáo lấy tiền lương cho mượn để duy trì bữa ăn cho trẻ. Theo cô giáo Đàng Thị Ninh Thuận ở điểm trường Như Bình, từ khi tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ, giáo viên bận rộn, vất vả hơn trước nhiều. Nhưng chứng kiến trẻ đến trường ngày càng đều đặn, được học tập, vui chơi trong môi trường tốt, chúng tôi rất hạnh phúc.
Kết quả đạt được từ tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ là rất khả quan, từ chỗ thờ ơ, dần dần có nhiều PHHS đăng ký cho con, em mình học 2 buổi/ngày, ăn trưa tại trường. Anh Hán Hoàng Hưng ở thôn Hoài Ni, cho biết: Tôi rất an tâm khi gửi con ở trường. Cháu được chăm sóc chu đáo nên khỏe mạnh, ngoan. Từ khi nhà trường mở lớp học bán trú, tổ chức ăn trưa cho trẻ tại trường tôi có thêm thời gian chăm lo việc đồng áng. Điều đáng mừng là, đến cuối năm học, có 100% trẻ 5 tuổi ra lớp học 2 buổi/ngày. Thành công nối tiếp thành công, năm học 2012-2013, nhà trường huy động được 176 trẻ 5 tuổi trên địa bàn 6 thôn ra lớp, đạt tỷ lệ 100%, với 100% trẻ được ăn trưa tại trường.
Cô giáo Đàng Thi Kim Nhị, chia sẻ: Thành công trên là nhờ sự đoàn kết, lòng yêu trẻ, quyết tâm vượt qua khó khăn của tập thể đội ngũ CB, GV, CNV. Nhà trường đang đẩy mạnh công tác “xã hội hóa giáo dục” huy động nguồn lực của toàn xã hội “chung tay” chăm lo cho các cháu.
Tuấn Anh