Năm 2012, Thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 29 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và nhiệm vụ 2013 của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2012, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính, 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 29.860 tỷ đồng...

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Thanh tra
cần đổi mới hoạt động, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trong năm 2012, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính, 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 29.860 tỷ đồng, 1.533 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 13.085 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 31.130 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 59 vụ việc, 104 người.

Quyết liệt đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra

Đáng chú ý, năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, các đoàn kiểm tra đã đôn đốc thu hồi được số tiền 2.337 tỷ đồng/4.874 tỷ đồng (chiếm 47,9%); xử lý xong 21.549 tỷ đồng/28.901 tỷ đồng (chiếm 74,56%) đối với các kiến nghị, xử lý khác qua thanh tra tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 2.497 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra (tăng 77,1%), thu hồi 245.288 triệu đồng, đạt 44,6%, (tăng 203%) và 229,8 ha đất; thanh tra một số địa phương thực hiện tốt công tác này như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Đồng Tháp, Hà Nội, Lào Cai, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh,…

Các cơ quan hành chính đã giải quyết 54.786 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 146,5 tỷ đồng, 92 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 223,8 tỷ đồng, 348 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 841 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 69 vụ việc với 246 người.

Phân tích từ kết quả giải quyết 31.655 vụ việc khiếu nại cho thấy: có 6.927 (21,9%) vụ việc khiếu nại đúng; 18.028 (56,95%) vụ việc khiếu nại sai; 6.700 (21,15%) vụ việc khiếu nại đúng một phần.

Thanh tra cả những nơi tiềm ẩn sai phạm

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích của toàn ngành Thanh tra, đặc biệt là các cuộc thanh tra trong lĩnh vực đất đai, đầu tư công, tài chính – ngân hàng, tập đoàn kinh tế. Kết luận thanh tra phát hiện được nhiều vi phạm trên các lĩnh vực, tạo được sự đồng thuận. Do đó, kết quả thu hồi và xử lý sau thanh tra đạt cao hơn năm trước.

Ngành Thanh tra cũng đã phát huy được vai trò chủ công của mình trong việc tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp, góp phần giảm số đơn thư và vụ việc khiếu nại, tố cáo trong năm qua.

Hội nghị tổng kết năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Thanh tra Chính phủ
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành đã có những chuyển biến tích cực, đã góp phần giúp công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá X); tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, qua đó, giúp Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận tại Hội nghị Trung ương 5 và Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém ngành Thanh tra cần sớm được khắc phục. Đó là, một số cuộc thanh tra kết luận còn chậm, chưa thuyết phục, chưa đủ răn đe, còn dễ dãi. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân còn chậm, chưa thuyết phục, chưa tạo được sự đồng thuận lớn, số đoàn khiếu kiện năm nay còn cao. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn ít, chưa chủ động, quyết liệt... để ngăn chặn phòng, chống tham nhũng.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra cần đổi mới hoạt động. Công tác thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm và thanh tra cả những nơi tiềm ẩn xảy ra sai phạm, nhất là với những lĩnh vực "nhạy cảm" như đất đai, đầu tư công, tài chính – ngân hàng, tài nguyên khoáng sản… Theo Phó Thủ tướng, các kết luận thanh tra phải khách quan, chính xác, kịp thời, kiến nghị xử lý phải nghiêm minh, cụ thể, không kiến nghị kiểu “vô thưởng, vô phạt”. “Không cán bộ cấp trên nào được can thiệp vào các cuộc thanh tra”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đề cập đến các giải pháp trong tiếp công dân, giảm “điểm nóng”, Phó Thủ tướng yêu cầu cán bộ phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đối thoại, hoà giải trong tiếp công dân. Thanh tra Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ của mình cần theo dõi, đôn đốc các địa phương giải quyết các vụ việc phức tạp, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền những vụ việc có nguy cơ thành “điểm nóng” trên tinh thần giải quyết công khai, từ cơ sở.

Nguồn chinhphu.vn