Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đồng chí Thường trực Thành ủy làm việc với đoàn. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã trình bày việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) "Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội", Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) "Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn".
Theo đó, về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; đã tập trung lãnh đạo, bố trí phân công cán bộ, hoàn thiện các quy chế, quy định làm việc của các đơn vị, bảo đảm đúng yêu cầu, nguyên tắc, quy định của Trung ương đề ra. Từ năm 2007 đến nay, gần 1.700 đồng chí được đưa vào dự nguồn các chức danh lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; 1.900 đồng chí được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị; trên 11.600 đồng chí trình độ trung cấp lý luận chính trị; gần 800 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, thạc sĩ trong nước và nước ngoài…
Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố từng bước được xác định lại rõ ràng hơn, giảm được sự chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý của bộ máy chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, thị xã ngày càng được nâng lên. Việc kiện toàn, sắp xép tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt được kết quả tốt…
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện công tác quy hoạch và bố trí cán bộ theo quy hoạch ở một số nơi còn bất cập. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có lúc chưa thường xuyên, đồng bộ. Một số cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất còn cồng kềnh. Việc sáp nhập 3 Sở (Thể dục thể thao, Du lịch, Văn hóa thông tin) thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không phát huy được, thậm chí làm giảm tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô. Việc sáp nhập Ban Tôn giáo và Sở Nội vụ Thành phố cũng gây khó khăn nhất định cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết vấn đề tôn giáo của thành phố…
Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và các văn bản chỉ đạo, Hà Nội đạt được đáng khích lệ, tạo ra bước chuyển biến mới về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn. Tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn. Mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức ngày càng chặt chẽ, được thực hiện bài bản, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị. Nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức có nhiều đổi mới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành hướng mạnh về cơ sở, sát địa bàn, sát dân hơn.
Các đảng ủy trực thuộc Thành ủy thường xuyên chỉ đạo củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các đảng ủy cũng đổi mới, nâng cao chất lượng nghị quyết với nội dung đi sâu vào những vấn đề cần tập trung giải quyết, có giải pháp, phân công thực hiện cụ thể, khắc phục tình trạng dàn trải, không rõ người, rõ việc. Hằng năm, việc tự phê bình của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được thực hiện đúng hướng dẫn; tổ chức việc lấy phiếu nhận xét các chức danh do HĐND bầu tại nơi cư trú cũng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm đội ngũ, chất lượng hoạt động của chính quyền. Trong 10 năm qua, khối xã, phường, thị trấn đã kết nạp được 37.557 đảng viên mới.
Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở ngày càng được nâng cao. Theo kết quả đánh giá, xếp loại đánh giá hằng năm, tỷ lệ UBND, HĐND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt và xuất sắc nhiệm vụ ngày càng tăng, năm 2002 có 86%, đến 2011 là 93%.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung 5 vẫn còn một số hạn chế. Đó là hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở trên các lĩnh vực như: quản lý đất đai, đô thị, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông… có việc đạt hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý, vi phạm kỷ luật phải xử lý gây bức xúc dư luận. Công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở trong những lĩnh vực nhất định chưa cao, điển hình là ban giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động lúng túng, chưa rõ nét. Tại các xã, phường, thị trấn dù công tác cán bộ đã được quan tâm chỉ đạo song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thời kỳ mới, việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng còn chậm trẻ hóa để xảy ra tình trạng hụt hẫng cán bộ. Đây chính là những nhiệm vụ trọng tâm các cấp, các ngành sẽ tập trung khắc phục trong thời gian mới.
Thành ủy Hà Nội kiến nghị Trung ương nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động để nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài. Đồng thời có sự chỉ đạo đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của Thành phố. Đối với các xã, phường, thị trấn nên quy định chức danh văn phòng đảng ủy và bí thư đoàn thanh niên là công chức, bố trí biên chế để có đội ngũ cán bộ nguồn tại chỗ đáp ứng yêu cầu công tác Đảng tại cơ sở. Cùng với đó tăng chỉ tiêu đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, thi nâng ngạch, chuyển ngạch lương; giao cho cấp ủy cùng cấp quản lý biên chế về tiền lương đối với hệ thống liên đoàn lao động từ thành phố đến quận, huyện, thị xã; nghiên cứu, thống nhất công chức cấp xã như công chức cấp huyện, cải tiến chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cán bộ công chức và phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách, cán bộ không chuyên trách được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao kết quả triển khai hai Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Đồng thời nhấn mạnh, Đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” có vai trò quan trọng, liên quan đến Đề án cải cách tiền lương và vấn đề nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính trị. Có những vấn đề đặt ra là, yêu cầu phải tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Mục đích của Đề án là cố gắng giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phù hợp với thực tiễn tình hình nước ta nhưng cũng phải mang tính phổ quát, gắn kết với sự vận động không ngừng của thế giới.
Từ kinh nghiệm, những kiến nghị của Hà Nội, Ban chỉ đạo Đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những vấn đề về biên chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên tại ở nơi cư trú; tiêu chí của loại hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn; chức năng nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, mô hình của chi bộ Đảng... Đặc biệt, nghiên cứu, có giải pháp để hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội khắc phục tình trạng hành chính hóa, phát huy hiệu quả thiết thực; đồng thời nâng cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các đoàn thể chính trị. Đây là những cách làm tổng thể để ngăn ngừa, khắc phục được những thiếu sót, khuyết điểm, nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng và bộ máy chính quyền.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và ý kiến của các đồng chí thành viên đoàn công tác của Trung ương để chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo gửi Trung ương theo quy định, phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) cấp Trung ương.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã khảo sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) tại phường Quảng An, quận Tây Hồ./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam