Nhìn lại giá cả tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2012

(NTO) Theo như dự đoán của các nhà chuyên môn, trong tháng 12-2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ ở mức 0,12% so với tháng trước. Đáng nói là nhóm hàng lương thực-thực phẩm thường trực tiếp chi phối chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng trong “rổ” các mặt hàng thiết yếu tiếp tục dừng ở mức thấp, riêng tháng 12 vừa qua có tăng nhưng không đáng kể.

Đơn cử như mặt hàng lương thực chỉ tăng 0,49%, thực phẩm tăng 0,76% so tháng trước mặc dù đây là tháng cuối năm dương lịch. Một số nhóm hàng hóa khác cũng tiếp tục giảm như nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,11%; giao thông giảm 0,55%...

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

So với tháng trước, chỉ số giá vàng tăng 2,41% trong khi đó chỉ số giá đô la Mỹ chỉ tăng 0,08% .

Như vậy, tính chung cả năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng tăng 13,51% so với năm 2011, đưa chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 12,95%. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhìn chung năm 2012, thị trường giá cả trong nước nói chung, tỉnh ta nói riêng diễn biến khá phức tạp. Sau Tết Nguyên đán với sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện, thuốc y tế, tỷ giá đồng USD, lãi suất ngân hàng… cộng với tác động của thị trường thế giới, kéo theo sự tăng giá đồng loạt của nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ dẫn đến thị trường có những biến động nhất định, lạm phát tăng cao cũng góp phần tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Tình hình giá cả tiêu dùng như đã nêu trên cũng ảnh hưởng đến “cầu” tiêu dùng trong tỉnh. Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012 đạt trên 9.384,5 tỷ đồng, tăng 19,1% so cùng kỳ. Nếu phân theo ngành kinh tế thì lĩnh vực Thương nghiệp đạt 7.521,5 tỷ đồng, tăng 18,6%; khách sạn nhà hàng đạt 1.154,3 tỷ đồng, tăng 19,7%; du lịch lữ hành đạt 3,1 tỷ đồng, tăng 33,8%; dịch vụ đạt 705,6 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Nhìn chung, trong năm tổng mức bán ra các thành phần kinh tế đều tăng, nhất là khu vực kinh tế cá thể, tập thể và khu vực kinh tế tư nhân. Tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như chương trình rút thăm trúng thưởng, chương trình giảm giá hàng bán, quà tặng kèm theo đã kích thích nhu cầu mua sắm của người dân...

Theo dự báo, trong tháng 1-2013 là tháng áp tết nên có nhiều khả năng giá hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng, nhất là các mặt hàng thiết yếu do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị đón xuân Quý Tỵ 2013. Điều này sẽ góp phần tăng “áp lực” cho người tiêu dùng trước thực tế còn nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập... Do vậy, vấn đề đặt ra là ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp về quản lý thị trường, chống đầu cơ, ghim hàng tăng giá, đồng thời kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc về niêm yết giá bán hàng tại các điểm kinh doanh, các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá...nhằm giúp cho người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm.