Theo bà DeAnne Julius, chuyên gia cố vấn từ Chatham House, thế giới vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong đó có khả năng một hoặc nhiều quốc gia thành viên có thể rời bỏ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bạo lực lây lan khắp Trung Đông, Mỹ không tránh được "vách đá tài chính" và rơi vào suy thoái, hay mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng bùng phát, buộc Oasinhtơn phải can thiệp vào Thái Bình Dương. Kịch bản tồi tệ nhất chính là việc một trong những biến cố trên có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nữa là hiện hữu vì 3 nguyên nhân sau.
Nguyên nhân thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn còn quá mong manh và chỉ hồi phục chậm chạp từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Các hộ gia đình và các chính phủ vẫn đang phải vật lộn với việc thanh toán gánh nặng nợ nần, trong khi các ngân hàng vẫn đang thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ và chưa chắc chắn về môi trường quy định đang thay đổi. Bất cứ một cú sốc mới nào cũng sẽ tăng thêm những quan ngại của họ và gây ra sự suy giảm hơn nữa.
Nguyên nhân thứ hai là chính sách kinh tế trên khắp toàn cầu đang bị đình đốn. Cả chính sách tài chính và tiền tệ đều đã tới giới hạn hiệu quả. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã tạo nên sự suy thoái, có nghĩa rằng việc kích thích kinh tế dựa trên các khoản vay thêm của chính phủ sẽ không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Các ngân hàng trung ương khắp thế giới đang duy trì mức lãi suất gần bằng không trong khoảng thời gian dài chưa từng có, đồng thời liên tục bơm thêm tiền vào các tổ chức tài chính của họ bằng các gói nới lỏng định lượng (QE). Kết quả là, bẫy thanh khoản xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong khi nhu cầu vay mới là rất thấp, các ngân hàng lại bị các cơ quan quản lý thúc ép phải gia tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Các gói nới lỏng định lượng chỉ có tác dụng chống đỡ cho các ngân hàng chứ không vực dậy được nền kinh tế thực, trong khi tác dụng phụ tiêu cực đối với những người gửi tiền tiết kiệm và các quỹ hưu trí đang tăng lên. Trong trường hợp xảy ra cú sốc mới, chính sách của chính phủ dường như không thể làm gì để chống đỡ.
Nguyên nhân thứ ba chính là sự yếu kém chính trị. Việc kéo dài chương trình thắt lưng buộc bụng đang phá hoại sự ủng hộ chính trị dành cho các đảng phái chính thống, đồng thời khuyến khích sự trỗi dậy của các đảng phái bên lề, cả cánh tả lẫn cánh hữu. Các nước ngoại vi Eurozone chính là nhóm quốc gia có nguy cơ cao nhất. Một liên minh chính trị yếu ớt tại Italia sau bầu cử hay sự ly khai thành công của xứ Catalan khỏi Tây Ban Nha không những có thể đánh dấu chấm hết cho eurozone, mà còn có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Hợp tác quốc tế chính là chìa khóa để giảm thiểu những nguy cơ này. Các nước nên tăng cường giám sát kinh tế để theo dõi các khu vực khủng hoảng, và nếu cần thiết, cả chính sách ngăn chặn kinh tế.
Ngoài ra, cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng ngăn chặn sự lây lan của khủng hoảng tài chính từ một quốc gia tới phần còn lại của thế giới mà không cần phải dùng các biện pháp bảo hộ. Nhóm G-20 có vai trò lớn trong việc phối hợp các hoạt động của thế giới nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.
Theo TTXVN