Đứng nhìn 5 sào nha đam của gia đình, anh Phạm Ngọc Dư (khu phố 5, phường Mỹ Bình) ngao ngán nói, trước đây cứ 20 ngày đến 1 tháng là thu hoạch nha đam một lần, nhưng không hiểu vì sao thời gian gần đây nha đam tiêu thụ rất chậm. Vườn nha đam của gia đình anh đã 6 tháng nay chưa thấy thương lái thu mua, đến nỗi cây đã trổ bông, già và khô hết cả. Nông dân ở đây sống chủ yếu dựa vào cây nha đam, giờ nha đam không tiêu thụ được nên chúng tôi không có tiền để chi tiêu cũng như đầu tư chăm sóc cho cây.
Nha đam đã quá lứa và bị úng nên nông dân phải nhổ bỏ.
Gia đình anh Phạm Vinh (khu phố 5, phường Mỹ Bình) có 3 sào nha đam, cũng đã 4 tháng nay chưa tiêu thụ đươc. Trước đây, với năng suất khoảng 4 tấn/ sào và giá bán từ 800-900 đồng/kg, gia đình anh Vinh thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng thời gian gần đây nha đam tiêu thụ rất chậm, không những vậygiá thu mua lại giảm xuống chỉ còn 600-650 đồng/kg, vì thế gia đình không có tiền chi tiêu sinh hoạt hàng tháng cũng như trả tiền điện bơm nước và thuê nhân công nhổ cỏ. Anh cho biết thêm, những bẹ nha đam đến thời gian thu hoạch mà không được cắt sẽ bị già và úng, phải nhổ bỏ. Nếu một thời gian nữa không có người thu mua thì gia đình sẽ phá diện tích nha đam và chuyển qua trồng rau màu.
Anh Trịnh Thanh Vương, Chủ tịch Hội nông dân phường Mỹ Bình cho biết, năm 2011, địa phương có khoảng 50 ha trồng nha đam, chiếm 30% diện tích đất nông nghiệp của phường. Đây là loại cây trồng thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, chi phí đầu tư thấp, trung bình mỗi tháng thu hoạch một lần. Năng suất bình quân mỗi sào khoảng 4 tấn, với giá từ 800 đến 900 đồng/kg, người dân thu nhập từ 3-4 triệu đồng. Nhờ đó, cây trồng này đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình tại địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nha đam tiêu thụ chậm nên nhiều nông hộ đã phá bỏ chuyển qua trồng hoa và rau màu, diện tích nha đam chỉ còn khoảng 20 ha.
Trước thực tế nêu trên đề nghị ngành chức năng liên quan cần giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm cả trước mắt và lâu dài để duy trì giống cây trồng được cho là cây "giảm nghèo" tại địa phương.
Lan Phương