Chiều 17-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo của thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ sau hơn 3 năm thành lập và đi vào hoạt động (5-2009), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam đến nay đã quy tụ hơn 7.600 luật sư trong cả nước. Liên đoàn Luật sư đã thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp và là cầu nối vững chắc giữa Đảng, nhà nước, xã hội và giới luật sư.
Trong những năm qua Liên đoàn luật sư tích cực và chủ động tham gia vào công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật như góp ý vào các dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và các dự luật quan trọng khác. Sự tham gia của 30 luật sư vào Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn III với việc rà soát thủ tục hành chính ở 3 lĩnh vực: Chứng thực, Quốc tịch và Xuất nhập cảnh đã có kết quả ban đầu; thể hiện sự đóng góp của Liên đoàn luật sư Việt Nam vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý của đất nước.
Đặc biệt, tỷ lệ luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự đã có bước chuyển nhất định, giai đoạn 2007-2011 đội ngũ luật sư đã tham gia 64.173 vụ án hình sự qua đó bảo vệ quyền lợi ích của công dân, bảo vệ công lý, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng nêu lên những tồn tại đó là sự gắn kết giữa Liên đoàn và các Đoàn luật sư còn chưa chặt chẽ; bất cập của mô hình tố tụng chưa phát huy được vai trò của luật sư; số lượng và chất lượng luật sư còn chưa đáp ứng được sự phát triển hội nhập nhanh chóng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những đóng góp của giới luật sư Việt Nam trong việc tham gia xây dựng pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đã có quyết định đúng trong việc thành lập Liên đoàn luật sư, bởi thông qua hoạt động này đã khắc phục được hoạt động rời rạc phát huy được tính tập thể và vai trò của luật sư.
Chủ tịch nước cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục đó là việc thu hút nhân lực làm nghề luật sư còn thiếu cơ chế, chính sách cho hoạt động của luật sư. Số luật sư tham gia tranh tụng còn ít, chỉ chiếm 9-10%, trong tổng số các vụ án. Một số ít luật sư còn vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật; còn thiếu đội ngũ luật sư tư vấn cho cá nhân, doanh nghiệp... Do đó, chủ tịch nước cho rằng, để đội ngũ luật sư đáp ứng được quá trình hội nhập, cần phải chú ý xây dựng đội ngũ luật sư không chỉ tăng về số lượng mà cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng.
Chủ tịch nước đề nghị trong quá trình cải các tư pháp cần nâng cao vai trò của luật sư nhất là trong việc tham gia quá trình tố tụng ngay từ đầu và chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa nhằm hạn chế tối đa những oan sai, bảo vệ quyền lợi ích của con người bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Chủ tịch nước nhấn mạnh luật sư phải công tâm không chỉ bảo vệ lợi ích của thân chủ mà phải bảo vệ sự công minh của pháp luật, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước.
Về một số kiến nghị của Liên đoàn luật sư như xem xét sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý phát huy vai trò luật sư; có cơ chế, chính sách phù hợp; tạo điều kiện cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế phối hợp hoạt động của Liên đoàn và các Đoàn luật sư với các cơ quan chức năng, Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đó có Liên đoàn luật sư, những kiến nghị của Liên đoàn sẽ được xem xét giải quyết trong thời gian tới nhằm xây dựng đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước.
Nguồn vov.vn