Để sử dụng hàng Việt trở thành nét văn hoá tiêu dùng của người Việt

Hơn 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao so với 23% trước đây, gần 60% người tiêu dùng tự xác định ưu tiên mua hàng Việt, 40% khuyên người thân mua hàng Việt Nam, đó là những kết quả cụ thể đạt được sau 3 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý công tác đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động
để việc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước trở thành nét văn hóa
tiêu dùng của người dân. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Ngày 14/12, Hội nghị sơ kết 3 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hưởng ứng chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng

Cuộc vận động (CVĐ) với nhiệm vụ tập trung tuyên truyền, vận động nhằm trước hết thay đổi, nâng cao nhân thức và hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng. Trong 3 năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải hàng ngàn chuyên trang, chuyên mục, hàng vạn tin bài tuyên truyền về CVĐ, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo khán/thính/độc giả và người tiêu dùng trong cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền CVĐ trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, lồng ghép chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã tổ chức rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hàng ngàn văn bản pháp quy, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất, thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hoá Việt Nam đến với người tiêu dùng trong cả nước.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu và đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... được tổ chức ở hầu hết các địa phương, với 1.433 hội chợ, triển lãm, 1.150 đợt bán hàng về nông thôn, 370 đề án xúc tiến thương mại. Công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại được tích cực triển khai với việc phát hiện, xử lý 46.060 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, 35.412 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và hơn 126.000 vụ vi phạm khác.

Các tập đoàn, TCty, các DN tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng CVĐ. Khối sản xuất ưu tiên mua sắm hàng trong nước phục vụ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, ưu tiên phân phối hàng trong nước. Điển hình là việc nỗ lực sử dụng công nghệ, nguyên liệu trong nước, đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường (các DN dệt may, dầu khí, xi măng, điện lực có tỷ lệ mua sắm hàng trong nước chiếm tới 70%, tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm đầu vào, nguyên liệu, thiết bị máy móc của DN thuộc Bộ Công Thương tăng bình quân 25%/năm. Trong hệ thống siêu thị lớn, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, từ 80-90%, tỷ lệ này trong hệ thống Saigon CoopMart là 95%).

Theo đánh giá chung, sau 3 năm triển khai, CVĐ đã làm thay đổi, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại bấy lâu. Các cuộc khảo sát nghiên cứu thị trường về xu hướng tiêu dùng cho thấy, hiện 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao; tại TP.HCM, 90% người tiêu dùng cho biết chắc chắn lựa chọn hàng Việt, tỷ lệ này ở Hà Nội là 83% và 60% hài lòng với lựa chọn đó; 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt.

Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại, hạn chế của CVĐ đã được nêu rõ. Đó là việc một số cấp uỷ, Mặt trận, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, tổ chức CVĐ ở địa phương, đơn vị; công tác tuyên truyền ở một số cơ quan truyền thông chưa thường xuyên, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến. Vai trò của nhiều DN, nhà sản xuất, ngành hàng chưa thực sự tạo ra thế mạnh, hấp dẫn thị trường, giá trị, chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại cùng chủng loại.

Để hàng Việt là nếp văn hoá tiêu dùng của người Việt

Các ý kiến tại Hội nghị đề cập tới nhiều giải pháp, kiến nghị những vấn đề nhằm xây dựng mục tiêu đến 2015, 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng hoá thương hiệu Việt, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN ưu tiên mua sắm hàng trong nước khi mua sắm công, 90% các cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc xuất xử hàng hoá, 90% số xã ở nông thôn, miền núi có cửa hàng bán hàng Việt, giảm 50% hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, CVĐ này là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa nhiều mặt đối với nền kinh tế, và trên thực tế thì mục tiêu đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường chính là bài toán đảm bảo chất lượng phát triển của nền kinh tế. Đây là hoạt động yêu nước, là phong trào nhưng cũng góp phần quan trọng thay đổi toàn diện định hướng phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ, các lĩnh vực kinh tế.

“Đến nay, Việt Nam làm chủ được 70% thị trường phân bón, 100% xi măng, 100% thép xây dựng, 50% hoá chất cơ bản, 70% về nhựa, 30% về vải sợi, 40% sản phẩm cơ khí, 59% về giấy, 50% bột giấy,… Các nhà phân phối lớn đều có tỷ trọng hàng Việt chiếm đa số, đó là thành quả đồng thời cũng là đích đến trong việc nâng cao tỷ trọng hàng Việt trên thị trường trong nước, qua đó hình thành, xây dựng nếp văn hoá tiêu dùng hàng Việt của mỗi người dân”, Phó Thủ tướng khẳng định.

CVĐ được xác định là một quá trình lâu dài, liên tục, vì vậy, công tác tuyên truyền cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm số 1, hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức người tiêu dùng, xây dựng nếp văn hoá tiêu dùng, nhấn mạnh hơn vai trò của nhà sản xuất. Điều này đỏi hỏi một mặt nhà sản xuất vừa lấy khách hàng là trọng tâm, nâng cao chất lượng, dịch vụ, phân phối để cạnh tranh, thu hút được khách hàng, mặt khác, cũng cần người tiêu dùng trong nước thay đổi nhận thức, có ý thức ủng hộ hàng nội địa. Bài học từ nước Nhật, với nhiều sản phẩm nội địa có chất lượng khác biệt hơn cả hàng xuất khẩu là một tấm gương để thị trường Việt Nam học hỏi.

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trao Bằng khen cho một số tập thể, cá nhân
có thành tích trong việc triển khai CVĐ. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ này.

Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt trong giai đoạn mới.

Xây dựng Chiến lược hành động quốc gia “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến năm 2020, rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của WTO, khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các DN đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hoá Việt Nam. Tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm hội chợ, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nhân.

Nguồn Chinhphu.vn