Theo ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, năm 2012, tăng trưởng GDP của tỉnh ước đạt 12,9% (kế hoạch là 13%), GDP bình quân đầu người đạt 26,16 triệu đồng, tăng 21,2% so với năm 2011.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong Gia Lai có các giải pháp phù hợp giúp bà con thoát nghèo.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Sản xuất nông nghiệp cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch về diện tích gieo trồng, sản lượng lương thực và sản lượng các cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Chỉ số tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 7,29%. Tuy nhiên, hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, cà phê, hồ tiêu giá giảm và tiêu thụ khó khăn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mía đường do phá vỡ quy hoạch (quy hoạch 25.000 ha nhưng trồng lên 33.000 ha) nên không tiêu thụ hết, giá thấp, phải vận chuyển đi xa bán nên lãi thấp hoặc không có lãi.
Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 20,68%. Các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh được đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành truy quét lâm tặc trên địa bàn các huyện trọng điểm. Đồng thời, đã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm như cách chức, chuyển công tác với cán bộ có sai phạm.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, xử lý một số vấn đề liên quan đến thuỷ điện An Khê – Kanat. Mặc dù công trình này đã đi vào hoạt động nhưng nhiều phần việc như giải phóng đền bù, tái định cư, hạ tầng cơ sở và xử lý môi trường chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, đồng thời đã chỉ đạo EVN xả nước về hạ lưu đúng lưu lượng và phải cam kết vận hành, điều hoà nước hợp lý, bảo đảm lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đối với các vấn đề về hỗ trợ tái định cư, Bộ đã chỉ đạo EVN kiểm tra hỗ trợ thêm cho bà con, đồng thời đề nghị tỉnh phối hợp để tiếp tục thực hiện tốt các cam kết với bà con.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được năm 2012. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo trong bà con dân tộc thiểu số còn cao. Đây là vấn đề tỉnh cần quan tâm tìm giải pháp thích hợp để giải quyết.
Phó Thủ tướng gợi ý, phải có nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ về vấn đề này với việc kiểm tra chặt chẽ, điều chỉnh kịp thời các vướng mắc phát sinh để chăm lo tốt hơn cho đồng bào, như cấp thêm đất, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề để giúp bà con thoát nghèo.
Việc quản lý, bảo vệ rừng tuy có chuyển biến nhưng tình hình còn rất phức tạp. Do đó, tỉnh phải kiểm tra thường xuyên, xử lý thật nghiêm đối với cán bộ có sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng.
Về bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, Gia Lai cần phối hợp với các Bộ, ngành gần dân hơn nữa để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó kịp thời tháo gỡ bất cập, vướng mắc khi triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, đối với xã, phường nào để xảy ra tội phạm có tổ chức thì Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an nơi đó phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku,
tỉnh Gia Lai. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Về giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường; nghiêm túc thực hành tiết kiệm. Tổ chức thực hiện quy hoạch, tạo chuyển biến về lượng và chất trong thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH; tăng năng suất, tăng chế biến sâu nông sản hàng hoá, dồn tâm sức để giảm mạnh hơn nữa tình trạng đói nghèo hiện nay.
Cải cách hành chính phải được coi trọng hơn, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, trong sạch và hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.
Công tác đại đoàn kết dân tộc, vận động quần chúng tiếp tục phải được đẩy mạnh hơn nữa. Điều này đòi hỏi sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác, sinh hoạt để người dân noi theo.
Về những kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, kiểm tra và đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định.
Nguồn chinhphu.vn