Chính phủ ban hành chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” giai đoạn 2012 – 2016.

Chính phủ xác định các nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng chống tham nhũng là thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trong việc hoạch định chính sách, xây dựng, thực hiện pháp luật và ban hành văn bản hành chính cá biệt, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng; bổ sung quy định cụ thể về công khai, minh bạch trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất,…

Đồng thời, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch. Cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Chính phủ đề cao và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, của cộng đồng và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Cũng như phát huy vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng,…

Mở chuyên mục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ xác định cần tiếp tục đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên phạm vi cả nước. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo mở chuyên mục trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính. Đồng thời khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương mở chuyên mục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên trang (cổng) thông tin điện tử và thường xuyên cập nhật thông tin về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ, ngành, địa phương mình.

Chính phủ xác định nhiệm vụ tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước; trong quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và công trình phúc lợi công cộng; quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên…

Đặc biệt trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, sử dụng tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Kiên quyết thu hồi, xử lý theo quy định đối với những trường hợp trang bị tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ,…

Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chính phủ giao trong năm 2013 các Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, để làm cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí áp dụng trên phạm vi cả nước.

Đồng thời các địa phương cũng phải xây dựng các bộ tiêu chí để làm cơ sở theo dõi, tổng kết, đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn.

Các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý vốn, tài sản, chi phí, giá thành, lao động, thời gian lao động, làm cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chủ động, tích cực nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, luôn xác định phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phải cam kết về sự liêm khiết, gương mẫu, mạnh dạn phê bình, tự phê bình và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Nguồn Chinhphu.vn