Nhìn ở hiện trạng, có thể nói tiềm năng đất đai trong tỉnh đã được khai thác khá tốt vào mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp.Về tình hình quản lý, sử dụng đất, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, tính từ năm 2009 đến nay, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi và giao đất để thực hiện hơn 170 dự án với diện tích hơn 1.562 ha và cho thuê đất để thực hiện 207 dự án với diện tích hơn 1.585 ha.
Khu nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam).
Thông qua việc giao đất, cho thuê đất đã đáp ứng được việc xây dựng các công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh như dự án Nhà máy điện hạt nhân 1, 2; các dự án giao thông như đường ven biển, tỉnh lộ 705, 706; các hồ chứa nước ngọt (hồ Phước Trung, Trà Co, Phước Nhơn…) và các hệ thống mương cấp 1, cấp 2 cho các vùng hưởng lợi từ các hồ chứa nước trên. Nhiều công trình hạ tầng theo đó cũng được xây dựng, như công trình nước sinh hoạt nông thôn và đô thị; các khu dân cư, khu sản xuất tôm giống và nuôi tôm công nghiệp; các khu khai hoang để mở rộng đất sản xuất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số; các khu dịch vụ, du lịch; trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng và Nhà nước; các khu du lịch trọng điểm... Kết quả thực hiện trên đã góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên trong thực tế việc sử dụng đất tại các khu công nghiệp, khu du lịch... vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đưa vào sử dụng. Các khu, cụm công nghiệp dù sử dụng khá lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất làm muối nhưng có nhiều công trình, dự án do không có vốn đầu tư làm cho quy hoạch không có tính khả thi cao, dẫn tới một số khu vực quy hoạch đã được công bố trong thời gian dài không được thực hiện. Việc quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt ở cấp huyện, xã chưa tốt nên còn tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch; việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều chỉnh hoặc huỷ bỏ quy hoạch chưa được coi trọng. Nhiều khu vực quy hoạch không còn phù hợp với diễn biến của tình hình thực tế hoặc không hợp lý; nhiều khu vực quy hoạch công bố sẽ thu hồi đất, nhưng đã quá thời hạn 3 năm kể từ ngày công bố vẫn chưa tiến hành điều chỉnh hoặc huỷ bỏ quy hoạch.
Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), rút kinh nghiệm từ thực tế những năm trước đây, năm 2012 Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh giao trực tiếp chỉ tiêu cấp giấy CNQSDĐ cho UBND cấp huyện; Sở chỉ hướng dẫn về mặt chuyên môn, kiểm tra, đôn đốc. Nhìn chung, sau khi nhiệm vụ trên được giao trực tiếp cho UBND cấp huyện, việc tổ chức cấp giấy CNQSDĐ có nhiều chuyển biến tích cực; các huyện, thành phố đã quan tâm, chỉ đạo sát hơn, tự xây dựng kế hoạch để làm cơ sở thực hiện. Đơn cử từ năm 2009 đến tháng 9 năm nay, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã giao đất ở cho 927 hộ gia đình, cá nhân tại 33 khu dân cư, tái định cư được quy hoạch và phê duyệt; đã thực hiện cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở cho 195 trường hợp với tổng diện tích trên 22,3 ha; đã cấp giấy CNQSDĐ cho đất ở của 6.591 hộ gia đình, cá nhân, với tổng diện tích trên 155,9 ha, nâng tổng diện tích đất ở được cấp giấy chứng nhận lên 467 ha.
Dù vậy kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu. Toàn tỉnh hiện nay vẫn còn lại 9 xã chưa đo đạc lập bản đồ địa chính với tổng diện tích khoảng 14.900 ha. Các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Tp.Phan Rang Tháp Chàm có bản đồ địa chính được thành lập từ năm 1997, theo thời gian, hình thể, diện tích, loại đất đã bị biến động thay đổi nhiều, đặc biệt là ở các nơi có tốc độ đô thị hóa cao nên gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy CNQSDĐ. Công tác chỉnh lý biến động bản đồ địa chính ở cấp huyện, xã chưa được cập nhật thường xuyên và kịp thời; tình hình đăng ký, lập hồ sơ, xét duyệt và cấp giấy CNQSDĐ, cũng như lập hồ sơ địa chính ở các cấp chưa đầy đủ.
Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất tỉnh triển khai ngay quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn sau 2020 sau khi được phê duyệt; đồng thời nghiên cứu và tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác hiệu quả quỹ đất nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. Trọng tâm là phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án thành lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh và của Tp.Phan Rang-Tháp Chàm; tranh thủ các nguồn kinh phí để hoàn thiện công tác đo đạc lập hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai cho các xã còn lại; đặc biệt là hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Ngọc Thạch,Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
Để khai thác tốt tiềm năng đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 12-6-2009 của Chính phủ và Chỉ thị số 1474/TTg ngày 24-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó kể cả việc triển khai thực hiện ngay Chỉ thị số 16/2011/CT-UBND ngày 22-7-2011 và Chỉ thị số 18/2012/CT-UBND ngày 20-6-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh theo nội dung tương tự nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, Sở tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và trình UBND tỉnh công bố bổ sung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai và tiếp tục đẩy mạnh kinh tế hóa ngành để nâng cao giá trị thực của nguồn tài nguyên đất theo cơ chế thị trường, đồng thời tạo sự đồng thuận trong công tác quản lý nhà nước; hạn chế thất thoát, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh.
đồng chí Lê Xuân Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Tp. Phan Rang-Tháp Chàm:
Những năm gần đây, công tác quản lý đất đai về các loại đất công ích, đất chưa sử dụng trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng đất công, sử dụng đất công sai mục đích và xảy ra một số sai phạm, điển hình là vụ cấp đất công ích cho 14 hộ dân, với diện tích 20.114m2 (trong đó 13 hộ ở phường Mỹ Hải và 1 hộ ở phường Tấn Tài). Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng TN&MT đã tiến hành thống kê, rà soát, cập nhật chỉnh lý biến động và hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu đất đai của 16 xã, phường. Đây là cơ sở để việc quản lý, sử dụng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại và xử lý vi phạm trên lĩnh vực đất đai nói chung được chặt chẽ. Nhờ đó, công tác quản lý đất công trên địa bàn thành phố trong năm 2012 có nhiều chuyển biến rõ nét. Hiện thành phố đang quản lý 110ha đất công ích và gần 114ha đất chưa sử dụng; các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, về đất công ích hạn chế đáng kể.
Để công tác quản lý và sử dụng đất công tiếp tục thực hiện có hiệu quả, UBND thành phố đã chỉ đạo phòng TN&MT tăng cường các giải pháp quản lý cơ sở dữ liệu đất từ cấp thành phố đến xã, phường; kiểm tra, giám sát tình hình cho thuê đất công nhằm đảm bảo sử dụng đúng mục đích.
Đồng chí Hứa Văn Bảo,Chủ tịch UBND xã Phước Hậu (Ninh Phước):
Công tác đo đạc địa chính của xã ban đầu có chậm do một số hộ dân đi làm ăn xa, không có mặt tại địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi đã kịp thời rút kinh nghiệm, cử cán bộ địa chính về ngay khu dân cư, ở hẳn 3, 4 ngày liền để giải quyết dứt điểm việc đo đạc, xác minh làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai cho nhân dân. Tính đến thời điểm này, xã Phước Hậu đã hoàn thành 12 bộ hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ. Hiện tại, một số hộ dân yêu cầu xác lập quyền sở hữu đất đai mà ngày trước đã thực hiện đo bao, chúng tôi cũng thực hiện đầy đủ quy trình, chức năng theo nguyên tắc "một cửa liên thông". Tuy nhiên, trong quá trình tách thửa, việc định giá các thửa cũng gặp khó khăn do giá đất đo bao ngày trước khác với giá đất khi đo tách. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đề xuất phòng Tài nguyên – Môi trường huyện có hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi của bà con.
Bạch Thương - Nhóm PV