Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ) dẫn bản báo cáo trên cho biết tiền lương trung bình hàng tháng trên toàn cầu tăng khoảng 1,2% trong năm 2011, so với mức 3% năm 2007 và 2,1% năm 2010. Báo cáo chỉ ra những khác biệt lớn về tiền lương giữa các nước và khu vực. Trong khi tỷ lệ tăng lương giảm mạnh ở các nền kinh tế phát triển và dự đoán đứng ở mức 0% năm 2012, tỷ lệ tăng lương vẫn tích cực trong suốt cuộc khủng hoảng ở các khu vực như Mỹ Latinh, Caribê, châu Phi và châu Á. Theo ILO, các khu vực Đông Âu và Trung Á có những thay đổi lớn nhất về tiền lương, giảm từ tỷ lệ tiền lương hai con số trước khủng hoảng xuống mức "hạ cánh khó khăn" trong năm 2009. Sự khác biệt tiền lương giữa các khu vực đặc biệt thể hiện rõ khi xem xét tốc độ tăng lương từ năm 2000 - 2011. Trên phạm vi toàn cầu, mức tăng lương chỉ dưới 1/4%. Tại châu Á, tỉ lệ tiền lương tăng gần gấp đôi trong khi ở Đông Âu và Trung Á tăng gần gấp ba mặc dù trước đó giảm mạnh trong những năm 1990. Tuy nhiên, tại các nền kinh tế phát triển, tiền lương chỉ tăng khoảng 5%.
Báo cáo của ILO cũng khẳng định tốc độ tăng lương toàn cầu chậm hơn tốc độ năng suất lao động - giá trị hàng hóa và dịch vụ mỗi người tạo ra trong sản xuất - trong nhiều thập kỷ qua ở đa số các nước. Tại các nền kinh tế phát triển, năng suất lao động tăng gấp đôi so với mức lương kể từ năm 1999. Tại Mỹ, năng suất lao động mỗi giờ trong khu vực kinh doanh phi nông nghiệp tăng khoảng 85% trong khi thu nhập chỉ tăng khoảng 35% kể từ năm 1980. Tại Đức, năng suất lao động tăng gần 1/4 trong hơn hai thập kỷ qua, trong khi tiền lương vẫn không tăng. Nhận định về vấn đề này, Tổng Giám đốc ILO Gai Raiđơ (Guy Ryder) cho rằng cần phải thay đổi xu hướng này bởi nó cho thấy người lao động không được hưởng các khoản thù lao xứng đáng.
Theo TTXVN