FAO kêu gọi tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp để chống nạn đói

Cần tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp để giảm thiểu số người thiếu đói trong một thế giới đang phải vật lộn với giá lương thực cao và dễ biến động. Đây là lời kêu gọi do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra trong báo cáo mang tên "Tình hình Lương thực và Nông nghiệp năm 2012" công bố ngày 6-12.

Báo cáo cho biết đầu tư cho nông nghiệp, hay chi tiêu cho nông dân, hiện cao hơn gấp 3 lần so với tất cả các nguồn đầu tư khác gộp lại, trong đó có đóng góp của nước ngoài và chính phủ. Tuy nhiên, mức độ đầu tư của tư nhân và nhà nước cho mỗi lao động trong khu vực nông nghiệp đang chậm lại hoặc giảm sút ở những vùng nông thôn bị nạn đói và tình trạng nghèo khó hoành hành mạnh nhất. Trong khi đó, khả năng quản trị kém và nạn tham nhũng gia tăng là những trở ngại hạn chế các sáng kiến đầu tư cho nông nghiệp.

Báo cáo cho rằng các chính phủ có thể thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp bằng cách đảm bảo để các quyền sở hữu tài sản được tôn trọng, cải thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn và khuyến khích thành lập các hợp tác xã sản xuất. Nông dân phải là trọng tâm trong mọi chiến lược đầu tư cho nông nghiệp. FAO nhấn mạnh các khoản đầu tư lớn sẽ mang lại nhiều cơ hội về việc làm và chuyển giao công nghệ, song khuyến cáo các chính phủ và công ty phải đảm bảo để người dân địa phương được hưởng lợi từ các kế hoạch này và đảm bảo để việc chuyển giao đất được tiến hành một cách minh bạch và công bằng.

Trước đó, Liên Hợp Quốc thông báo khoảng 870 triệu người, tức là 1/8 dân số thế giới, đang rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng kinh niên, đồng thời nhấn mạnh giảm số người thiếu đói là một trong những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của tổ chức này nhằm đối phó với tình trạng nghèo khó trên toàn cầu.

Liên quan đến tình hình sản xuất lương thực trên toàn cầu, báo cáo cho biết tăng trưởng sản lượng lương thực sẽ chậm lại trong thời gian từ nay đến năm 2021 sau "cú" tăng đột biến nhưng không lâu bền ở một số nước đang phát triển trong thập kỷ vừa qua. Tăng trưởng sản lượng lương thực trung bình hàng năm trong thập kỷ tới sẽ giảm xuống 1,7%, so với 2,6% trong thập kỷ trước.

Báo cáo nhấn mạnh nông nghiệp ở nhiều nước đã phát triển nhảy vọt, vì thế mà thiếu bền vững, tới hơn 50% ở khu vực Mỹ Latinh trong 12 năm qua và 70% ở Braxin, hơn 40% ở khu vực Nam Xahara, Đông Âu và Trung Á, 20% ở Mỹ và Tây Âu.

Theo TTXVN