Việc tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc để hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong tỉnh nhằm phát huy hiệu quả hoạt động giám sát là rất cần thiết. Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của HĐND. Qua giám sát, HĐND các cấp có thể kiểm chứng tính đúng đắn, sự phù hợp của các quy định đang được áp dụng và những chủ trương, biện pháp đã được HĐND quyết nghị; kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở địa phương để đề xuất giải pháp tháo gỡ, góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Lê Đình Cẩn, Phó trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
với UBND huyện Ninh Sơn. Ảnh: Diễm My
Thông tin thu được qua giám sát còn là cơ sở cho việc thẩm tra các tờ trình, đề án của các Ban HĐND, giúp các đại biểu HĐND có thông tin chính xác và có cơ sở trong thảo luận và quyết định tại kỳ họp; bảo đảm để nghị quyết được ban hành có chiều sâu, sát thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Trên thực tế, hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy có chuyển biến tích cực, nhưng ở cấp xã vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập, chưa mang lại hiệu quả cao. Công tác giám sát chủ yếu do Thường trực HĐND xem xét báo cáo; việc tham gia hoạt động giám sát của đại biểu HĐND còn rất hạn chế... Nhìn chung, chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp xã đôi khi còn hình thức: nội dung chưa sâu, chưa tập trung vào các vấn đề bức xúc ở địa phương; kết luận giám sát chưa đánh giá đúng các nguyên nhân… Các kết luận giám sát chưa được chú trọng, việc tiếp thu, khắc phục hạn chế còn chậm...
Nguyên nhân của những bất cập nêu trên trước hết do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm của HĐND. Bên cạnh đó, cơ chế quy định cho hoạt động giám sát của HĐND chưa rõ ràng (chưa có Luật Giám sát của HĐND) làm cho một số đại biểu thiếu tự tin, một số đại biểu vừa là trưởng hoặc phó đầu ngành, vừa là thành viên của các Ban HĐND nên còn nể nang, ngại va chạm hoặc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”… Mặt khác, nhiều đại biểu HĐND mới ứng cử lần đầu chưa có kinh nghiệm thực tế, còn hạn chế về năng lực của đại biểu, do thiếu thông tin hoặc chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động đại biểu … Qua thực tiễn hoạt động, xin trao đổi một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng hoạt động giám sát của HĐND cho đại biểu HĐND các cấp; đại biểu HĐND cần nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ hoạt động giám sát của HĐND để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phải nắm rõ đối tượng chịu sự giám sát, nội dung, phương thức giám sát và thẩm quyền, phạm vi giám sát… Về nội dung giám sát, cần tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết của HĐND và việc tuân thủ pháp luật của các ngành, các cấp. Ngoài ra, hoạt động giám sát của HĐND còn được thực hiện tại các kỳ họp của HĐND, thông qua việc xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND và VKSND cùng cấp; thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; qua xem xét các văn bản quy phạm pháp luật; qua hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu….
Thứ hai, cần xây dựng chương trình, nội dung giám sát đúng trọng tâm, phù hợp và tổ chức tốt các cuộc giám sát. Điều này đòi hỏi trách nhiệm, năng lực và bản lĩnh của Thường trực, các Ban HĐND và của đại biểu HĐND. Trước tiên là phải xác định đúng vấn đề trọng tâm cần giám sát, sau đó xây dựng chương trình và kế hoạch giám sát phù hợp, trên cơ sở chương trình giám sát đã được HĐND thông qua hàng năm. Có những vấn đề mới phát sinh trong thực tế nhân dân quan tâm thì việc tổ chức các cuộc giám sát kịp thời là rất cần thiết. Cần lưu ý là HĐND và các đại biểu HĐND không được làm thay các cơ quan hành pháp và tư pháp. Vì vậy, phương pháp tiến hành giám sát phải chặt chẽ, thực hiện theo đúng chức năng, thẩm quyền và đúng quy trình.
Cần chuẩn bị và tổ chức tốt các cuộc giám sát, từ khâu chuẩn bị nắm tình hình đến việc thu thập thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung, đối tượng giám sát. Cần tiên liệu trước những tình huống, những vấn đề cần đi sâu, làm rõ (có thể xây dựng nội dung đề cương chi tiết); cần có phương pháp, hình thức giám sát khoa học và phù hợp, đặc biệt là việc tổ chức Đoàn giám sát phải có sự tham gia của những thành viên am hiểu sâu về lĩnh vực cần xem xét, giúp Đoàn giám sát xác định chính xác những nội dung cần kiến nghị. Kết luận giám sát phải khách quan và chỉ ra được những hạn chế, còn bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách, pháp luật; từ đó đề xuất hướng giải quyết khả thi, kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục kịp thời…
Hiệu quả của hoạt động giám sát của HĐND các cấp phụ thuộc vào việc thực hiện kiến nghị của các ngành hữu quan. Do đó, việc theo dõi thực hiện các kiến nghị là sự tiếp tục của hoạt động giám sát, nhất là trong những trường hợp giữa chủ thể và đối tượng chịu sự giám sát còn có ý kiến khác nhau trong việc khắc phục hạn chế, thiếu sót và xử lý trách nhiệm của đơn vị chịu sự giám sát. Chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về kết quả giám sát, để tiếp tục theo dõi đến nơi, đến chốn khâu tiếp thu, xử lý các kiến nghị của các cơ quan hữu quan. Nếu cơ quan nhà nước không chịu sửa sai, không thực hiện các kiến nghị sau giám sát cần giải quyết theo hướng cao hơn, như ban hành nghị quyết về thực hiện các kiến nghị; sau đó giám sát thực hiện nghị quyết.
Kinh nghiệm cho thấy, nên xây dựng chương trình giám sát vừa sức, chọn những vấn đề trọng tâm mà các đại biểu HĐND và cử tri quan tâm; đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình tổ chức giám sát; giám sát đến nơi đến chốn để đưa ra được những kiến nghị, giải pháp cần thiết.
Thứ ba, trong thực hiện chức năng giám sát, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN các cấp và các thành viên của Mặt trận nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát và kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, của Nhà nước và nghị quyết của HĐND.
Thứ tư, cần tăng cường công tác cung cấp thông tin về hoạt động giám sát của HĐND, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vừa tạo áp lực từ dư luận xã hội đối với việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND.
Thứ năm, phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong việc điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND, của đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát. Thực tiễn cho thấy: ở đâu Thường trực HĐND chủ động làm tốt vai trò điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND và của đại biểu HĐND thì ở đó hoạt động giám sát của HĐND phát huy hiệu quả tốt hơn.
Đinh Thị Vân