Thực hiện Nghị định 71: Cần hiểu đúng để chấp hành tốt về an toàn giao thông

(NTO) Trong những ngày đầu áp dụng Nghị định 71 (NĐ71) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (từ ngày 10-11), đã có nhiều người dân quan tâm về việc tăng mức phạt (so với NĐ34) cho một số lỗi vi phạm giao thông, cũng như việc xử lý trường hợp xe không chính chủ.

Trên địa bàn tỉnh ta, nhiều người dân tham gia giao thông khi được hỏi về các quy định mới (NĐ71) đều cho biết, họ rất hoan nghênh việc áp dụng NĐ71 trong việc xử phạt để giảm thiểu tình hình vi phạm giao thông, qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc áp dụng các mức phạt cao sẽ khiến nhiều người dân gặp khó khăn.

Lực lượng CSGT - Công an Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra,
kiểm soát trên tuyến đường 21 Tháng 8.

Anh Trần Văn Cường (ở khu phố 6, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, cách đây 3 tháng anh có mua lại chiếc xe máy của một người bạn với giá trên 4 triệu đồng, nhưng không làm thủ tục sang tên. Sau khi mua xe, anh giữ giấy đăng ký xe mang tên của người bạn để sử dụng. Với quy định mới, nếu có vi phạm gì thì anh sẽ bị xử phạt đến một triệu đồng, khiến anh rất lo lắng. Không chỉ anh Cường, nhiều người dân cũng có chung suy nghĩ, việc họ mua xe nhưng không làm thủ tục sang tên khá nhiều, phần để tiết kiệm chi phí phải đóng, phần đỡ phải làm các thủ tục hành chính mất thời gian, trong khi tài sản có giá trị không cao.

Nói về vấn đề này, Đại tá Đặng Văn Thành, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 232.500 xe mô-tô và 5.725 ô-tô, trong đó có rất nhiều trường hợp khi chuyển nhượng, mua bán không làm thủ tục sang tên. Chính vì vậy đã không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, xử lý người vi phạm, cũng như nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khi xảy ra các trường hợp tranh chấp, mất trộm, hay TNGT, thậm chí đối với các trường hợp sử dụng phương tiện giao thông gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trong khi đó, theo quy định từ trước đến nay trong thời hạn 30 ngày, chủ xe phải có trách nhiệm làm thủ tục sang tên. Thời gian để giải quyết thủ tục này hiện nay rất đơn giản và chỉ trong 2 ngày là được cấp giấy đăng ký mới. Chính vì vậy, người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về việc sang tên khi mua bán xe để không làm mất quyền lợi của mình và làm khó cơ quan chức năng.

Liên quan đến vấn đề xử phạt trong lĩnh vực giao thông quy định tại NĐ71, Đại tá Đặng Văn Thành cho biết, với những nội dung được quy định tại nghị định này, người dân cần hiểu cho đúng để tránh những hoang mang không đáng có. NĐ71 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung điều 33 của NĐ34 có nêu: “Phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với chủ mô-tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô-tô vi phạm các hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định…”. Tương tự, đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô-tô nếu vi phạm, thì chủ xe sẽ bị phạt từ 6-10 triệu đồng. Lực lượng CSGT sẽ không xử phạt những trường hợp người nhà, bạn bè mượn xe của nhau, khách thuê xe để đi lại, nếu những người điều khiển phương tiện đó không vi phạm các quy định khi tham gia giao thông và xuất trình được giấy tờ đăng ký xe. Đại tá Đặng Văn Thành cũng cho biết thêm, qua hơn 10 ngày thực hiện NĐ71, lực lượng CSGT Công an tỉnh không lập biên bản trường hợp nào người điều khiển phương tiện xe đi xe mượn. Tuy nhiên, khi phát hiện các trường hợp không đúng chủ phương tiện điều khiển xe, CSGT cũng nhắc nhở người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật về việc mang theo giấy tờ và chấp hành các quy định giao thông. Qua thực tế triển khai, đã có nhiều chủ phương tiện tiến hành đăng ký chuyển quyền sở hữu theo quy định khi tiến hành trao đổi, mua bán phương tiện, đó là một động thái rất tích cực trong chấp hành pháp luật.