Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao chất lượng dạy và học là nhu cầu thiết yếu đặt ra đối với những người đang làm nhiệm vụ giảng dạy. Vậy, làm thế nào để học sinh ngày nay có tình yêu bộ môn và có thể học tốt Ngữ văn? Đó là câu hỏi lâu nay nhiều giáo viên dạy Ngữ văn trăn trở. Với quan điểm cá nhân, theo tôi, việc tìm ra phương pháp đặt câu hỏi là vấn đề quan trọng góp phần nâng dần chất lượng dạy và học đối với bộ môn này.
Đây là vấn đề không đơn giản bởi đặt câu hỏi đã khó nhưng trả lời được câu hỏi còn khó hơn. Người hỏi phải hình dung ra những khả năng trả lời khác nhau và tự mình phải biết thế nào là đúng, sai, là đủ, là thiếu, là mới, là hay cho mình, cho người. Bởi vậy thiết nghĩ người giáo viên (GV) cũng cần phải những hiểu biết cơ bản về câu hỏi để có thể đặt câu hỏi cho hiệu quả trong giảng dạy bộ môn.
Trong chương trình Ngữ văn THPT, có nhiều văn bản dung lượng lớn nhưng thời lượng cho tiết dạy lại ít dẫn đến khá nhiều GV lúng túng, thường phải chạy theo bài dạy nếu không muốn "cháy giáo án". Thế nên nhiều tiết dạy đã không đạt được yêu cầu như mong muốn.
Quan điểm đổi mới trong giảng dạy hiện nay luôn đề cao tính chủ động, sáng tạo của học sinh (HS) trong việc tiếp nhận tri thức. Người dạy chỉ là người định hướng, hướng dẫn cho HS tự mình chiếm lĩnh tri thức ấy. Và phương tiện mà người GV dùng để thực hiện nhiệm vụ đó chính là hệ thống câu hỏi khi lên lớp. Bên cạnh hệ thống câu hỏi mà GV định hướng, HS còn được trang bị một số câu hỏi từ SGK trong phần hướng dẫn học bài, chuẩn bị bài ở nhà. Chuẩn bị bài là một yêu cầu quan trọng trong việc dạy và học môn Ngữ văn (đây là yêu cầu chung cho tất cả các môn học, tuy nhiên đối với môn Ngữ văn đây lại là yêu cầu mang tính đặc thù). Có chuẩn bị bài tốt thì học sinh (HS) mới có thể lĩnh hội tốt kiến thức trong quá trình Đọc - hiểu văn bản. Vì thế trong SGK bất cứ môn học nào, không ngoại trừ môn Ngữ văn đều có hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài ở phần sau nội dung bài học. Tuy nhiên thực tế giảng dạy và học tập môn Ngữ văn hiện nay cho thấy, HS chuẩn bị bài trên cơ sở câu hỏi Hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa (SGK) chỉ để đối phó, chiếu lệ. Có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân xuất phát từ chính hệ thống câu hỏi Hướng dẫn học bài trong SGK còn bất cập, chưa thực sự hợp lí.
Chẳng hạn, đây là hệ thống câu hỏi Hướng dẫn học bài cho bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc của Phạm Văn Đồng (Ngữ văn 12, tr 53 - 54).
1. Tìm những luận điểm chính của bài viết. Anh chị thấy cách sắp xếp các luận điểm đó có gì khác với trật tự thông thường?
2. Theo tác giả, vì sao văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như: "những vì sao có ánh sáng khác thường", "con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy"?
3. Tác giả đã giúp chúng ta nhận ra những "ánh sáng khác thường" nào của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam, qua:
- Cuộc sống và quan niệm sáng tác của nhà thơ;
- Thơ văn mà ông sáng tác để phục vụ cuộc chiến đấu chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc;
- Truyện Lục Vân Tiên
4. Vì sao tác giả cho rằng ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng lẽ phải sáng hơn nữa không chỉ trong thời ấy, mà cả trong thời đại hiện nay?
5. Có thể thấy bài văn nghị luận này không khô khan mà trái lại có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Vì sao?
Bài viết là một áng văn nghị luận mẫu mực có cấu hết sức chặt chẽ theo ba phần với luận đề và hệ thống luận điểm lôgic liên kết chặt chẽ. Như vậy hệ thống câu hỏi nên tiếp cận văn bản theo hướng ấy. Thế nhưng ở đây, tác giả lại không khai thác theo hướng này. Bên cạnh đó, ngay ở câu 1, SGK hỏi: Anh chị thấy cách sắp xếp các luận điểm đó có gì khác với trật tự thông thường? Đây là yêu cầu HS rất khó trả lời vì HS chưa tiếp cận được một cách toàn diện kết cấu của văn bản để nhận diện được mục đích của Phạm Văn Đồng khi triển khai trật tự các luận điểm trong văn bản Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc. Vì thế HS thường soạn bài "đối phó" với GV bằng loại sách "Học tốt" được bày bán trên thị trường. Điều này đã triệt tiêu khả năng tư duy cũng như khả năng độc lập trong việc tiếp cận văn bản của HS từ đó đã làm giảm sự hứng thú trong những giờ học Ngữ văn của các em. Qua ví dụ này có thể thấy sắp xếp xây dựng câu hỏi cho thành những hệ thống chặt chẽ hợp lí là vô cùng quan trọng.
Từ những thực trạng nêu ra trên đây, tôi xin đưa ra một số biện pháp để góp phần phát huy hiệu quả phương pháp nêu câu hỏi trong dạy học Ngữ văn ở THPT.
Thứ nhất, việc đặt câu hỏi đối với mỗi bài học phải mang tính hệ thống, có tác dụng định hướng để khai thác nội dung bài học. Tính hệ thống của câu hỏi phụ thuộc vào cách tiếp cận đối tượng và vấn đề.
Thứ hai, để hỏi có hiệu quả, HS hiểu câu hỏi và có hứng thú để trả lời, để tham gia bài học, câu hỏỉ không trở thành “nỗi sợ hãi” cho HS, thì người GV cần chú ý đến kĩ thuật hỏi: Từ ngữ trong câu hỏi cũng như cách đặt câu hỏi phải phù hợp với sự hiểu biết của học sinh. Người giáo viên phải chuẩn bị tốt câu hỏi, dự kiến những khả năng và mức độ trả lời. Những câu hỏi cần được đưa ra một cách tự nhiên thân mật, có mối liên hệ chặt chẽ với mạch suy nghĩ của học sinh và phải tạo ra hứng thú trao đổi, tranh luận. Tùy vào mức độ khó dễ mà chỉ định học sinh nào trả lời. Nên tránh lặp lại câu hỏi hoặc dùng những câu hỏi trùng ý. Không nên nhắc nhiều lần một câu hỏi như “khủng bố” tinh thần học sinh.
Xử lí các câu hỏi của học sinh cần bình tĩnh, nhẹ nhàng, cần tạo điều kiện thời gian để cho học sinh trả lời trọn vẹn ý. Phải tôn trọng và chấp nhận ý kiến thông minh của học sinh và cần biểu dương sự trả lời thành thật của các em. Phải biết uốn nắn, bổ sung khi cần thiết với những ý kiến chưa đầy đủ và đúng đắn. Phải tạo điều kiện tốt để học sinh vừa trả lời vừa đặt câu hỏi cho giáo viên một cách đúng đắn. Giáo viên có trách nhiệm trả lời những câu đặt ra của học sinh, nghiêm túc, không lảng tránh, bịa đặt,...
`Thứ ba, trong quá trình giảng dạy, yêu cầu chuẩn bị bài một cách nghiêm túc đã trở thành một công việc thật sự hữu ích cho quá trình học tập của mỗi HS. Với môn Ngữ văn, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn bởi lẽ để tiếp cận một tác phẩm văn học cần phải hội tụ nhiều kĩ năng, phải có sự tiếp cận bề mặt văn bản trên cơ sở đó cảm nhận những giá trị thẫm mĩ ẩn chứa sau từng con chữ. Việc HS chuẩn bị tốt bài ở nhà là đã làm tốt công việc tiếp cận bề mặt văn bản. Đây có thể nói là yếu tố "nền" để khi lên lớp kết hợp với những tri thức của GV cung cấp, HS sẽ có một cái nhìn tương đối trọn vẹn về tác phẩm văn học được học (ở mức độ phổ thông). Xuất phát từ thực tế ấy, thiết nghĩ trên nền tảng gợi ý của hệ thống câu hỏi trong SGK, GV giảng dạy Ngữ văn có thể biên soạn một hệ thống câu hỏi khác cụ thể hơn, gắn liền với bài giảng của GV hơn. HS được GV cung cấp hệ thống câu hỏi cho bài học mới sau mỗi tiết dạy. Đây chính là điều kiện thuận lợi để HS có thể chuẩn bị bài tốt hơn và GV có thể tiết kiệm được nhiều thời gian trên lớp. Như vậy nếu thực hiện tốt công việc này, vấn đề"cháy giáo án" trong giảng dạy Ngữ văn sẽ phần nào được giải quyết. Đồng thời từ hệ thống những câu hỏi ấy GV sẽ giúp học sinh nâng cao khả năng tự tiếp cận tác phẩm, thoát li dần và không còn phụ thuộc một cách thụ động với những sách "học tốt".
Nguồn Trường THPT Lạng Giang số 1