Quốc hội thông qua Luật Thủ đô và thảo luận về dự án Luật Phòng chống khủng bố

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, chiều 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Thủ đô và thảo luận về dự án Luật phòng chống khủng bố.

 Quốc hội thảo luận tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Thủ đô và thảo luận
về dự án Luật phòng chống khủng bố. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tại phiên họp này, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật thủ đô. Với 75,7% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô có 4 chương và 27 điều, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, chính sách, trách nhiệm xây dựng phát triển quản lý và bảo vệ Thủ đô, khẳng định Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương, của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Xây dựng và phát triển bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, là trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô, các lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan tổ chức và nhân dân cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng phát triển và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước tập trung đầu tư và thu hút các nguồn lực để xây dựng phát triển và bảo vệ Thủ đô, có chính sách để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Luật Thủ đô cũng nêu rõ, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, thay thế cho Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2000.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng chống khủng bố. Tại phiên thảo luận, có 14 đại biểu Quốc hội đăng ký và phát biểu, đa số các vị đại biểu Quốc hội phát biểu đều tán thành với tên gọi và sự cần thiết ban hành luật. Đồng thời phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề như sắp xếp bố cục các chương và nội dung thứ tự các điều cho hợp lý hơn.

Về khái niệm khủng bố, đây là một nội dung trọng tâm xuyên suốt và quyết định đến toàn bộ nội dung của dự thảo luật. Do đó các ý kiến đề nghị cần phải làm rõ khái niệm cụ thể về khủng bố.

Về nguyên tắc thì hành vi khủng bố luôn gắn với động cơ chính trị và rất nhạy cảm vì vậy không thể sao chép khái niệm từ nước khác. Dự thảo luật giải thích khái niệm theo cách liệt kê các hành vi. Một số đại biểu tán thành với đề xuất xây dựng khái niệm khủng bố như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên cần được phân tích làm rõ hơn về nội hàm của khái niệm này. Về nguyên tắc phòng chống khủng bố, một số ý kiến thấy rằng cần thiết phải quy định theo hướng cơ chế A2 hiện nay của Bộ Quốc phòng, có nghĩa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý điều hành các lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ.

Về Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố, qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với quy định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố, nhưng đề nghị quy định rõ về thẩm quyền thành lập thành phần ban chỉ đạo, thời điểm thành lập cần quy định ngay trong dự thảo luật.Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố. Thành phần nào hoạt động kiêm nhiệm, thành phần nào hoạt động chuyên trách.

Về lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố, các ý kiến cho rằng cần thiết phải có lực lượng phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên thành lập riêng lực lượng chuyên trách và nên giữ tổ chức như hiện nay của lực lượng công an và quân đội được giao nhiệm vụ phòng, chống khủng bố. Đồng thời, tăng cường trang bị phương tiện, vũ khí và huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng này để bảo đảm tinh gọn và hoàn thành được nhiệm vụ. Trước mắt, chưa nên thành lập lực lượng gây tốn kém. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, nên thành lập lực lượng chuyên trách, được tổ chức riêng để chống khủng bố. Đây là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm làm rõ hơn.

Về người chỉ huy phòng, chống khủng bố, nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ thêm các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người chỉ huy chống khủng bố, cần làm rõ giữa người lãnh đạo, người chỉ huy cấp trên và người chỉ huy trực tiếp, bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ hơn để bảo đảm tính khả thi trong thi hành nhiệm vụ.

Về các biện pháp phòng, ngừa và phòng, chống khủng bố, dự thảo luật quy định nhiều biện pháp để phòng, ngừa và phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên cần thiết phải làm rõ hơn nữa các biện pháp có tính đặc thù nghiệp vụ của các lực lượng phòng, chống khủng bố và trách nhiệm của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa khủng bố, tránh quy định chung chung không khả thi.

Về hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố, các đại biểu Quốc hội cho rằng hợp tác quốc tế là cần thiết, tuy nhiên vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định cho hợp lý, bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế, không trái với Hiến pháp, pháp luật của nước ta và bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia. Để bảo đảm tính khả thi, có ý kiến cho rằng trước mắt chỉ nên hợp tác trong trao đổi thông tin, huấn luyện, diễn tập, còn nguyên tắc có đi có lại và đưa lực lượng ra nước ngoài chống khủng bố thì cần phải cân nhắc kỹ.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam