Cần có cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ

Chiều 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Đa số các đại biểu tán thành sửa đổi Luật để tạo sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm đáp ứng kịp thời quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Luật KH&CN hiện hành được ban hành cách đây 12 năm. Khi đó Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO, chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, chưa vượt qua ngưỡng của một nước kém phát triển và chưa có hệ thống luật pháp đồng bộ về KH&CN. Từ đó đến nay hệ thống văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện rất căn bản. Quốc hội đã ban hành nhiều luật về các lĩnh vực KH&CN chuyên ngành như: Luật sở hữu trí tuệ; Luật chuyển giao công nghệ; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật công nghệ cao; Luật năng lượng nguyên tử; Luật đo lường. Ngoài ra, trong một số luật về đầu tư, thuế,… có nhiều điều, khoản liên quan đến hoạt động KH&CN.

Luật KH&CN hiện hành đã bộc lộ một số bất cập về nội dung cũng như hình thức văn bản. Có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; nhiều điều, khoản quy định còn chung chung, hiệu lực thực thi pháp luật thấp.

Đóng góp ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định), đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị trong quá trình sửa đổi luật cần bổ sung làm rõ hơn chính sách Nhà nước nhằm thu hút nhân tài làm khoa học, không thể chỉ hô khẩu hiệu chung chung. Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga lấy dẫn chứng như đất nước Hàn Quốc, từ những năm 1960 đã có chế độ ưu đãi nhằm thu hút các nhà khoa học từ nước ngoài về bằng cách trả tiền lương cao gấp 3 lần, hỗ trợ nhà ở. Và sau hơn 40 năm, Hàn Quốc đã trở thành một nước có nền khoa học phát triển mạnh. Do đó, các đại biểu đồng tình nếu Nhà nước không có cơ chế thỏa đáng sẽ làm nản lòng các nhà khoa học và nguy cơ nền khoa học nước nhà ngày một tụt hậu.

 

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 20/11. (Ảnh: TTXVN)

Cũng trong quá trình thảo luận, đa số đại biểu đồng tình duy trì ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN ở mức 2% như hiện nay là hợp lý, khi nào có điều kiện sẽ nâng lên, nhưng quan trọng cần tập trung đổi mới quản lý để phân bổ, sử dụng ngân sách sao cho hiệu quả hơn. Cụ thể, dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển KH&CN; tránh đầu tư dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư; ưu tiên tập trung đầu tư cho các tổ chức KH&CN trọng điểm như phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia…

Ngoài ra dự thảo Luật cần quy định rõ hơn cơ chế kết hợp sử dụng ngân sách và việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN theo hướng tăng tổng mức đầu tư xã hội cho KH&CN, trong đó nguồn đầu tư ngoài ngân sách ngày càng chiếm ưu thế. Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng dự thảo luật còn e dè khi không quy định vào trong luật buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư cho khoa học, không thể cứ để ngân sách nhà nước phải gánh hết mãi được.

Tại phiên thảo luận, nhiều quan điểm cho rằng cần phát triển các loại quỹ trong lĩnh vực KH&CN như một thiết chế tài chính để tài trợ cho KH&CN. Các quỹ này cần có các cơ chế riêng để tài trợ cho hoạt động KH&CN. Nguồn tài chính của quỹ gồm có một phần từ ngân sách nhà nước và phải huy động nguồn lực ngoài xã hội. Đối với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho quỹ cần được quản lý chặt chẽ theo quy định hiện hành. Bộ Tài chính và Bộ KH&CN cần thống nhất quy định về cơ chế hoạt động và tài trợ của quỹ.

Đại biểu Thạch Thị Dân (Trà Vinh) đề xuất cần quy định cụ thể một khoản kinh phí đặc thù cho cá nhân, tổ chức làm khoa học ở vùng sâu, vùng xa nhằm thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) không tán thành trong dự thảo Luật ghi chi tiết nhiệm vụ của 3 Bộ gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, nếu như vậy trách nhiệm, thẩm quyền làm khoa học các Bộ khác thì sao? Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại vấn đề này.

Nhiều đại biểu tham gia thảo luận như: đại biểu Tố Nga (Nam Định); đại biểu Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc)… nhất trí cần có cơ chế tài chính thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN. Nên áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời cần quy định tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý KH&CN, của chủ nhiệm chương trình, đề tài trong thực hiện cơ chế này. Cùng với việc áp dụng chế độ khoán chi, Dự thảo Luật cũng cần quy định cơ chế Nhà nước mua các sản phẩm KH&CN.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức KH&CN, có ý kiến đại biểu cho rằng những quy định này chưa làm rõ được quyền và nghĩa vụ đặc thù, riêng biệt, tương ứng và phù hợp với mỗi chủ thể tổ chức KH&CN như: Tổ chức nghiên cứu khoa học; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH&CN. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo thể hiện các quyền, nghĩa vụ theo hướng tách bạch các quy định tương ứng với mỗi loại chủ thể tổ chức KH&CN cũng như quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức có hoạt động KH&CN.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam