Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm phòng, tránh thiên tai

Tiếp tục Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, sáng 21/11, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, hàng năm, thiên tai xảy ra trên cả nước đã gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP. Thực tế này đòi hỏi phải có khung pháp luật làm cơ sở cho việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đại biểu Chu Đức Quang (Lạng Sơn) nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với ý nghĩa bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia. Theo đại biểu này, để phòng, tránh thiên tai hiệu quả, cần sự phối hợp của tất cả các cấp, ngành. Đây là trách nhiệm trước tiên và chủ yếu của Nhà nước.

Đồng tình với ý kiến này, các đại biểu đều cho rằng, Nhà nước phải thống nhất quản lý trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo chứ không phải chỉ hỗ trợ phòng chống thiên tai. Do đó, cần làm rõ hơn vai trò của Nhà nước, vì phòng, chống thiên tai là một nội dung quan trọng, liên quan tới sinh mạng và tài sản của nhân dân. Nếu không quy định chặt chẽ sẽ dễ dàng tạo kẽ hở để thoái thác trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Hơn nữa, quy định nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nên càng cần hơn bao giờ hết vai trò chủ đạo, quyết định ở đây.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thị Tuyết Thanh phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) cho rằng, trong tình trạng khẩn cấp, mọi cá nhân phải tích cực và chủ động tham gia phòng, chống thiên tai, nhưng trách nhiệm của Nhà nước là chủ yếu, do đó, không thể nói Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với công tác này.

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất đề nghị tên gọi của Luật là “Luật Phòng, chống thiên tai”. Theo các đại biểu: Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam),... nên để tên gọi “Luật Phòng, chống thiên tai” vừa ngắn gọn, bao quát và dễ hiểu, đồng thời nêu bật tính chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Theo các đại biểu này, thuật ngữ “chống” đã bao hàm trong đó ý nghĩa giảm nhẹ, tránh, ứng phó...

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) phân tích, dự án Luật bao gồm 5 chương và 46 điều nhưng nhiều nội dung còn chồng chéo. Đại biểu này cho rằng, do đặc thù địa lý nhiều vùng thường đối mặt với thiên tai nên cần bổ sung chính sách cho các vùng này. Cũng theo đại biểu, cần quy định cụ thể từng lĩnh vực và quy định rõ hơn, nhiều hơn trách nhiệm phòng, tránh thiên tai của từng cơ quan và cả cộng đồng; đề nghị bổ sung nội dung khen thưởng về phòng, chống thiên tai nhằm tôn vinh tập thể, cá nhân có những đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đồng quan điểm về nguyên tắc phòng, chống thiên tai phải chú ý tới đặc thù của từng vùng miền, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) chỉ ra, nguyên tắc phòng, chống thiên tai áp dụng với tất cả các vùng, miền sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên cần bổ sung đối với những khu vực đặc thù này. Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương, cần xem xét đưa lực lượng vũ trang bổ sung vào quy định về lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) không đồng ý với phương án công nhận thương binh, liệt sỹ với những người bị thương, chết khi tham gia phòng, chống thiên tai. Đại biểu này cũng đề xuất nên thành lập Ủy ban phòng, chống thiên tai trên cơ sở kết hợp Ủy ban phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng đề nghị Quốc hội cần có định hướng rõ ràng hơn về tổ chức cơ quan chủ trì công tác phòng, chống thiên tai, nên xem xét phương án kết hợp hai cơ quan liên quan tới lụt bão và tìm kiếm cứu nạn hiện nay thành một cơ quan Ủy ban Quốc gia phòng, chống thiên tai.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) nêu ra cảnh báo về tính thiếu rõ ràng, chặt chẽ trong quy định về nguồn kinh phí (ngân sách nhà nước và quỹ tự nguyện, quỹ bắt buộc trong phòng, chống thiên tai) sẽ dễ bị lợi dụng sử dụng sai ngân sách, kinh phí và có nguy cơ tham nhũng khi sử dụng nguồn kinh phí này. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng đề nghị, cần quy định cụ thể mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ phòng, chống thiên tai để tăng tính minh bạch và hiệu quả. Về nội dung này, đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cũng cho rằng, nên quy định chung vào một loại quỹ phòng chống thiên tai để thống nhất và minh bạch trong quản lý.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam