Với tấm lòng của một phụ huynh học sinh, tôi xin góp đôi dòng kể về cô nuôi dạy trẻ góp phần tôn vinh, tri ân đối với giáo viên ít được người học hoặc xã hội nhắc đến.
Đó là cái thời, sáng tôi chở con đi học (bằng xe đạp) đến trường Mẫu giáo, chiều-sau giờ đi làm đón cháu về. Tôi vốn ham mê thể thao nên nhiều lúc 20 giờ mới tới trường đón cháu. Do tôi thường hay đón cháu trễ nên có lúc thì cô giáo hiệu trưởng trông giữ cháu, có lúc thì cô nhờ bảo vệ của trường trông coi. Trong ba năm học ở Trường Mẫu giáo Vành Khuyên do cô làm hiệu trưởng thì năm nào cháu cũng được tặng giấy khen: Bé khoẻ, bé ngoan. Có lẽ nhờ thừa hưởng sự chăm sóc, giáo dục từ cái nôi mẫu giáo mà sau này con tôi học tập rất chăm chỉ, được thầy cô khen ngoan hiền, bạn bè quí mến, giờ cháu đã là sinh viên năm cuối đại học. Nghĩ lại, thấy hồi đó mình thật “đoảng”, chỉ biết giao con cho cô giáo, cho trường.
Cô học chuyên ngành giáo viên tiểu học Trường trung học Sư phạm Phú Long (Thuận Hải cũ). Ra trường năm 1977, cô nhận quyết định về Trường Mẫu giáo Hàm Tân công tác 5 năm. Tháng 9 năm 1982 cô chuyển về Phòng Giáo dục Phan Rang với nhiệm vụ xây dựng phong trào mầm non của thị xã. Tháng 8–1985, cô được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vành Khuyên, trường bán trú đầu tiên của tỉnh. Khi tỉnh xây dựng Trường Mầm non thực nghiệm 16 Tháng 4, cô được điều về làm Hiệu trưởng cho đến nay.
Gần tròn 35 năm công tác nuôi dạy trẻ, chỉ còn vài năm nữa là cô nghỉ theo chế độ, nhưng một số trường mẫu giáo đề nghị cô làm cán bộ quản lý. Cô cho biết, làm cô nuôi dạy trẻ có cả nước mắt lẫn nụ cười, vất vả nhưng nhiều phụ huynh không biết, sau một ngày làm việc căng thẳng về nhà không có phụ huynh điện thoại trách mắng là mừng; bù lại hàng ngày thấy các cháu vô tư, khôn lớn từng giờ lại thấy lòng mình như trẻ lại.
Nghe những tâm tình của cô, tôi chợt nhớ tới lời dạy của cha ông ta từ ngàn xưa: “Dạy con từ thưở còn thơ”, nhân cách trong sáng, vô tư của trẻ có được trong môi trường giáo dục bắt đầu từ nhà trẻ, trường mẫu giáo, đó là nền tảng hình thành nhân cách các cháu sau này. Bây giờ có dịp suy ngẫm lại, tôi mới hiểu ra rằng công lao của các cô giáo nuôi dạy trẻ thật lớn biết bao. Tôi thầm cảm ơn cô về những tháng năm chăm sóc, dạy dỗ con mình. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi xin gửi tới cô lời biết ơn sâu sắc vì đã nâng đỡ con tôi, dạy dỗ cho các cháu nói chung trong những năm tháng chập chững đầu đời.
Xin muợn lời bài hát do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác “Mùa xuân ai đi hái hoa, còn cô đi nuôi dạy trẻ, sao cô muốn đàn em mau khoẻ, sao cô muốn đàn em mau ngoan, chính bởi vì cô giáo yêu thương những đôi môi đỏ, những đôi má hồng, cô yêu từng đôi mắt sáng, long lanh như những giọi sương…” gửi đến các cô giáo nuôi dạy trẻ rằng phụ huynh chúng tôi và xã hội mãi mãi biết ơn các “kỹ sư tâm hồn” của trẻ thơ, người mẹ thứ hai của bé ở trường học đầu đời.
Mỹ Hạnh