Để có được thành công đó không thể không kể đến sự đóng góp công sức của thầy Nguyễn Tấn Hùng, Phó Ban chủ nhiệm, người gắn bó với Câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập. Chưa một lần đứng trên bục giảng nhưng giáo viên, học sinh trong trường vẫn gọi thầy bằng hai tiếng thân mật: “thầy Hùng!”. Hài hước, vui vẻ, nhiệt tình là ấn tượng đầu tiên của mọi người khi tiếp xúc với thầy.
Thầy Nguyễn Tấn Hùng (phải) cùng các thành viên tập huấn kỹ năng tuyên truyền tại Sơn Long Thuận.
Tuổi ngoài năm mươi, mái tóc ngả màu hoa râm lại làm công việc thủ quỹ khô khan nhưng thầy vẫn có một tâm hồn tươi trẻ, yêu thiên nhiên và đặc biệt yêu thương trẻ. Đó chính là động lực để thầy sáng tạo tổ chức cho các em nhiều hoạt động vui học bổ ích, lý thú như các hội thi: Rung chuông vàng, Vươn tới ước mơ, Người thầy thuốc nhỏ tuổi…Đặc biệt là các hoạt động của câu lạc bộ Dòng sông quê em.
Với chiếc máy vi tính luôn mở sẵn, những dụng cụ thủ công như giấy màu, hồ dán, bút vẽ…xung quanh, ngoài giờ làm việc thầy lại say sưa chuẩn bị cho những hoạt động của câu lạc bộ. Thầy tự nghiên cứu, tìm hiểu để dàn dựng chương trình, phân công thực hiện. Thầy còn tự tay viết kịch bản, thiết kế những dụng cụ trực quan và không quản thời gian để tập cho các em từng vở tiểu phẩm, từng lời ca, điệu múa…Có những lúc công việc học tập rồi thi cử làm cho các thành viên có phần lơ là với hoạt động của câu lạc bộ. Chính thầy lại động viên, an ủi, khuyến khích để các em hiểu thêm về ý nghĩa trong mỗi hoạt động mình được tham gia; tư vấn cho học sinh cách sắp xếp thời gian sao cho hợp lý…
Nói về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ, thầy chia sẻ: “Câu lạc bộ được thành lập dựa trên tinh thần tham gia tự nguyện của các thành viên nên điều quan trọng điều quan trọng là mình phải hiểu tâm lý của các em để sáng tạo các hoạt động sao thật mới lạ, phong phú và hấp dẫn”.
Quả thật đúng như vậy, cứ vào đầu mỗi năm học, hàng trăm em học sinh lại tấp nập đăng ký tham gia các phần thi để được chọn làm thành viên chính thức của câu lạc bộ. Qua ba năm hoạt động, dưới sự dẫn dắt công phu, khéo léo của thầy, các thành viên đã được trải nghiệm những hoạt động vô cùng ý nghĩa. Có khi thầy hướng dẫn các em đến những dòng kênh, con suối, giếng nước trong vùng để chụp ảnh, ghi tốc ký sau đó về tham dự cuộc thi vẽ tranh, thi hùng biện, thi làm phóng viên, diễn tiểu phẩm về chủ đề nước sạch. Có lúc các em lại được thầy tổ chức thi tìm hiểu về những dòng sông kỳ vĩ, những dòng lịch sử trên đất nước như sông Hồng, Sông Đà, sông Thạch Hãn, sông Cửu Long…cùng những dòng sông thân thuộc của quê hương như sông Dinh, sông Ông, sông Trâu, sông Sắt. Đặc biệt, niềm vui của các thành viên như vỡ òa khi thầy tổ chức lễ hội Ca- ra- van “đường xóm”. Toàn trường được tham gia diễu hành với những khẩu hiệu, biểu ngữ rực rỡ. Các thành viên trong câu lạc bộ đã tự thiết kế và mặc những bộ trang phục vì nguồn nước quê hương làm từ ống hút, bao nilông, lá khô, bao tải…Đến mỗi tụ điểm trong các làng thì dừng lại múa hát và tuyên truyền cho bà con về tầm quan trọng của việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch. Thiết thực nhất là những lần thầy tổ chức cho các em ra quân tình nguyện làm sạch môi trường ở kênh Bắc, ở suối Lồ Ồ, tham quan vịnh Vĩnh Hy. Những tờ báo tường “Tiếng kêu cứu của nước”, những mô hình “Thành phố tương lai” thầy động viên các em sáng tạo thực sự thú vị và ý nghĩa…
Dưới sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Tấn Hùng, câu lạc bộ đã hoạt động ngày càng hiệu quả, nhận được nhiều giấy khen của sở và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên& Môi trường. Tất cả những hoạt động mà thầy tổ chức đã và đang hướng tới mục tiêu giúp học sinh nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của nguồn tài nguyên nước đối với sự sống trên trái đất. Từ đó các em sẽ là những hạt nhân tích cực tuyên truyền cho người dân nơi đây thay đổi hành vi và thói quen bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước tại địa phương.
Bùi Thị Thủy