Tai nạn giao thông, nỗi đau còn đó

(NTO) Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra trên 500 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 70 người, bị thương gần 700 người, thiệt hại tài sản trên 700 triệu đồng. Đằng sau những con số đó là nỗi đau không thể đo đếm của biết bao gia đình.

Gần 4 năm nay, bà Lâm Thị Đặng thui thủi một mình trong căn nhà cót dựng tạm ở xóm biển Khánh Giang (thị trấn Khánh Hải – Ninh Hải). Nỗi buồn mà bà mang nặng trong lòng không phải là gia cảnh thiếu thốn của bản thân mà chính là sự cô đơn, nhớ thương người con gái duy nhất của bà đã mất trong một vụ TNGT. Tai nạn xảy ra khi em L.T.K.L. đi chơi cùng các bạn vào dịp Tết. Khi ấy em K.L. đang là học sinh lớp 10, vẫn còn hồn nhiên với những buổi đến lớp . Nhà nghèo, lại thiếu vắng người đàn ông trong gia đình nên hai mẹ con bà Đặng nương tựa vào nhau sớm hôm, hạnh phúc đơn sơ. Vậy mà, TNGT đã cướp đi niềm vui sống duy nhất của bà, để lại nỗi mất mát không gì có thể bù đắp được. Những tháng ngày không còn con gái bên cạnh, bà vẫn lầm lũi làm thuê kiếm sống. Mỗi ngày, người phụ nữ ngoài 40 tuổi ấy không biết bao nhiêu lần nhói đau khi nhìn những cô cậu học trò tung tăng đến lớp.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kịp thời xử lý các vụ TNGT.
Ảnh: Sơn Ngọc

Cưới nhau chưa được bao lâu, anh T.V.T. (Phước Nhơn – Xuân Hải – Ninh Hải) đã vĩnh viễn ra đi sau một TNGT vào tháng 9-2009. Chị Đạo Thanh Tịnh, người vợ trẻ khi ấy đang mang thai. Gia đình mất đi trụ cột, vợ mất chồng, con chưa một lần được sự bồng bế dỗ dành của cha, nỗi đau ấy quá sức tưởng tượng với người mẹ 23 tuổi. Hơn 3 năm trôi qua, chị đơn thân nuôi dưỡng đứa con thơ. Những khi phải đi buôn bán xa, chị đành gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc. Ký ức tuổi thơ của em sẽ thiếu mất một tình cảm thiêng liêng không gì có thể thay thế – tình cha.

May mắn hơn nhiều nạn nhân khác, nhờ kinh tế gia đình khá giả nên có điều kiện chữa trị thương tích cho anh N.V.P (24 tuổi, ngụ Phước Sơn – Ninh Phước) bị TNGT vào đầu tháng 5-2012. Thời gian điều trị kéo dài hơn 3 tháng tại TP. Hồ Chí Minh với số tiền trên 200 triệu đồng. Tuy vậy, bản thân anh đã bị thương tật 90%, không thể lao động như người bình thường, bao nhiêu dự định tương lai đành gác lại, dở dang. Cửa hàng nội thất nho nhỏ của gia đình giờ ba mẹ anh phải thay con quán xuyến khi đã ở cái tuổi được “hưởng phúc” của con cháu. Và còn rất nhiều câu chuyện thương tâm đằng sau mỗi vụ TNGT. Trong đó, có không ít trường hợp nạn nhân là lao động chính trong gia đình. Do vậy, TNGT xảy ra khiến cho nhiều gia đình rơi vào khó khăn.

Vẫn biết TNGT là điều không ai muốn xảy ra. Tuy nhiên, một khi ý thức của người tham gia giao thông còn chưa được nâng lên thì khi đó, hiểm họa TNGT vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, mà gia đình nạn nhân chính là những người đầu tiên phải gánh chịu.

Những hành vi vi phạm pháp luật như không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện; qua đường không quan sát; điều khiển phương tiện lấn tuyến; không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ cho phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia,… chính là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến TNGT.

Hàng loạt chương trình hành động, các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát,… đã được triển khai thời gian qua là những nỗ lực nhằm kiềm chế TNGT và những tổn thất về người và tài sản mà nó mang lại. Trong “cuộc chiến dài kỳ” ấy, ý thức của người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng. Đảm bảo ATGT là đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và mọi người.