Được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, cấp uỷ, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp thích hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từng bước xoá đói giảm nghèo cho nhân dân. Một trong những giải pháp phát triển kinh tế của xã là tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với tập quán sản xuất của bà con và thực tiễn địa phương.
Hồ chứa nước Phước Trung được Nhà nước đầu tư xây dựng có sức chứa 2,3 triệu m3 nước
bảo đảm tưới 250 ha đất canh tác của nông dân địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc
Tận dụng lợi thế các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng được Nhà nước đầu tư xây dựng, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Tà Yên Xôn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết: Địa phương đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách-Xã hội tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình diễn các mô hình trồng bắp lai, lúa nước, tiêm phòng ngừa bệnh trên đàn gia súc…đồng thời vận động bà con Raglai từ bỏ lối canh tác cũ lạc hậu; thu hút người dân tham gia các mô hình mới bằng cách hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp bà con hình thành phương pháp canh tác mới, hiệu quả hơn.
Điều đáng mừng là đến nay một bộ phận bà con Raglai đã bước đầu làm quen với cách sản xuất hàng hóa, chủ động vay vốn, lựa chọn cây, con có giá trị kinh tế cao, đầu tư đào ao chứa nước đảm bảo cho sản xuất và chăn nuôi. Hiện toàn xã có 2 công trình hồ chứa nước là Phước Trung, Phước Nhơn và 5 đập thủy lợi, chủ động nước tưới cho hơn 1.500ha gieo trồng/năm. Nông dân xã Phước Trung đã biết áp dụng kỹ thuật canh tác mới, ứng dụng nhiều mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi như thâm canh lúa nước, bắp lai; mô hình nuôi bò vỗ béo; sử dụng máy cày, máy xới để cải tạo đất sản xuất theo chương trình 30a của Chính phủ. Cùng với đầu tư thâm canh phát triển sản xuất, UBND xã đã giao cho cộng đồng dân cư 4 thôn nhận khoán bảo vệ 3.253 ha rừng. Nhờ đó, bà con có thêm thu nhập, tích cực tham gia bảo vệ rừng, góp phần đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã.
Nông dân Phước Trung đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc có sừng tăng thu nhập nâng cao đời sống gia đình
Ảnh: Sơn Ngọc
Nhờ chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn xã Phước Trung những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 1.660 ha và sản lượng lương thực đạt 2.954 tấn, tăng trên 60% so với năm 2006. Chăn nuôi đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã, tổng đàn gia súc có sừng được duy trì và phát triển ổn định trên 3.400 con. Trong đó, đàn trâu bò hơn 2.000 con; đàn dê, cừu có 991 con; đàn heo 399 con; bình quân mỗi hộ có 3-4 con gia súc chăn thả, cải thiện kinh tế gia đình. Đời sống cơ bản ổn định, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của xã còn dưới 41% với 209 hộ/896 nhân khẩu (giảm 26,34% so với năm 2010).
Nói về định hướng phát triển kinh tế lâu dài của Phước Trung, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Tà Yên Xôn khẳng định: trong chương trình xóa đói giảm nghèo của xã Phước Trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn là giải pháp mang tính đột phá của địa phương. Theo đó, xã đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2011-2015, chú trọng mở rộng diện tích canh tác; thực hiện thâm canh, luân canh, tăng vụ, tăng năng suất; khai thác tối đa diện tích gieo trồng ven sông, ven suối và vùng chủ động nước. Phát triển chăn nuôi theo hướng chú trọng số lượng và chất lượng đàn gia súc. Đồng thời, tận dụng nguồn nước của hệ thống thủy lợi hồ Phước Trung và Phước Nhơn để quy hoạch khu sản xuất lúa tập trung 2 vụ/năm… nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, ổn định, từng bước nâng cao đời sống nhân dân”.
Diễm My