Trung Quốc: Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế

Thảo luận báo cáo do Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đọc trước ĐH 18 ĐCS Trung Quốc nhấn mạnh việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế.

Năm 2012 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến 7,5%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, cả xuất khẩu lẫn vốn đầu tư nước ngoài FDI đều giảm sút.

 

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không bền vững do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Ảnh: Kiến thức

Trong khi đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân được nâng cao, tâm lý tiêu dùng có sự thay đổi lớn. Nếu trước đây chỉ cần ăn no mặc ấm, thì giờ đây họ quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, nghe, xem, du lịch và hưởng thụ cũng nhiều hơn. Vì thế, nhu cầu của thị trường thế giới giảm sút trong khi nhu cầu nội tại gia tăng đã là yếu tố song hành quan trọng để Trung Quốc quyết định chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. 

Ông Nhậm Ngũ Đường, Giáo sư, Chuyên gia kinh tế Đại học sư phạm Bắc Kinh phân tích: “Từ năm 2008 khủng hoảng tài chính đến nay, do nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại khiến chính sách tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn, Trung Quốc cảm thấy cần phải thay đổi mô hình này. Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước thúc đẩy tiêu dùng trong nước để phát triển kinh tế”. 

Từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu, nay cỗ xe “tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước trở thành động lực để đưa kinh tế Trung Quốc tiếp tục tiến về phía trước. Trong đó, tiêu dùng trong nước được đặt lên vị trí hàng đầu. 

Ông Nhậm Ngũ Đường cũng cho rằng: “Những biện pháp để thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đó là tăng cường xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội, khuyến khích người dân tăng cường chi tiêu mà không phải lo ngại. Tăng lương cho người dân và đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người nông dân, đây là yếu tố quan trọng nếu muốn kích thích tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa”. 

Trung Quốc còn tìm cách đẩy mạnh tiêu dùng trong nước bằng cách nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng. Với những biện pháp kể trên, quá trình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đã thu được kết quả ban đầu. 

Ông Trương Bình, Chủ nhiệm Ủy ban phát triển và cải cách Trung Quốc đánh giá: “Đã có sự thay đổi lớn, hiện nay động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào tiêu dùng trong nước, điều đó phù hợp với yêu cầu dựa vào cỗ xe tam mã, là tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Một điều đáng mừng nữa là tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của tiêu dùng lớn hơn cả đầu tư”. 

Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là một chuyển động rất đáng quan tâm. Quá trình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ có những tác động, là cơ hội và cả thách thức đối với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Nguồn VTV.VN