Đa số các ý kiến thảo luận tập trung vào nội dung kê khai tài sản, công khai minh bạch, trách nhiệm của người đầu, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng (PCTN)… với mong muốn thực sự hạn chế các bất cập từ quá trình PCTN thời gian qua.
Trước đánh giá chung về hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN trong suốt thời gian qua chưa đạt được như mong muốn, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm, đối với nước ta, kết quả công cuộc PCTN phụ thuộc vào quyết tâm chính trị. Do đó, không cần sửa đổi bổ sung thêm luật mà chỉ cần tăng cường công tác quản lý và giám sát tốt, quy định và thực thi việc xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đại biểu này, nguyên nhân của việc chưa đạt hiệu quả như mong muốn nói trên là do quy định của Luật được thực hiện chưa nghiêm túc, còn hình thức và thiếu kiểm tra, giám sát… Các giải pháp phòng ngừa còn chiếu lệ, hình thức: kê khai tài sản, công khai minh bạch, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường giao dịch qua tài khoản, hạn chế giao dịch tiền mặt vẫn chưa thực sự phát huy vai trò, tác dụng…
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) khẳng định, Luật là cơ sở pháp lý quan trọng để thực thi các chính sách và đẩy mạnh PCTN trên phạm vi cả nước. Thời gian qua, công tác PCTN đã có chuyển biến tích cực, các giải pháp phòng ngừa được quan tâm đồng bộ: công khai, minh bạch quản lý tài sản công, cải cách hành chính… Tuy nhiên, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp ở nhiều cấp, ngành, việc kê khai hình thức, xử lý người đứng đầu chưa nghiêm, chưa thực sự phát huy tác dụng của việc chuyển đổi vị trí công tác…
Đại biểu này đề nghị cần bổ sung thêm các nội dung: quản lý nhà nước về khoáng sản, văn hóa - thông tin, nông nghiệp, chính sách nông thôn… và với quan điểm phòng ngừa là chính, cùng với việc sửa đổi Luật, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các thể chế trên các lĩnh vực khác có liên quan, tăng cường thanh tra, điều tra, kiểm toán… để PCTN thực sự hiệu quả.
Cũng theo đại biểu này, không cần thiết mở rộng đối tượng cán bộ, đảng viên phải kê khai tài sản bởi quyết định hiệu quả không phải ở số lượng người kê khai mà quan trọng là xác minh việc kê khai đó, do vậy, để tránh hình thức nên tập trung theo đối tượng có khả năng tham nhũng cao…
Đại biểu Chu Lê Chính (Lai Châu) nhất trí sửa đổi Luật nhưng lại kiến nghị, Chính phủ chưa tổ chức tổng kết đánh giá đầy đủ, do đó, thiếu cơ sở tổng quát để sửa đổi một cách toàn diện, đề nghị cân nhắc thêm quy định trách nhiệm của người đứng đầu…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần thành lập Ủy ban Quốc gia về PCTN với chức năng phòng ngừa, điều tra, giám sát. Thực tế công cuộc đấu tranh PCTN cần sự chung tay của toàn Đảng, toàn nhà nước và nhân dân. Vì thế, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cũng bày tỏ sự ủng hộ việc sửa đổi Luật lần này theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI). Đại biểu này chỉ băn khoăn để tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hướng toàn diện thì cần tổng kết sâu sắc và chú trọng tới việc tạo cơ sở pháp lý cho công tác PCTN hiệu quả. Chú trọng tới công khai minh bạch và quy định thế nào để thực hiện được. Kê khai nhưng phải có chọn lọc và giám sát được việc kê khai. Kê khai thế nào, kê khai đến đâu… Đây là một “cuộc chiến gian nan” và theo đề xuất của đại biểu Hồ Trọng Ngũ, hạn chế chi tiêu tiền mặt với hình thức mọi công dân đều có mã số thuế, mọi chi trả thông qua mã số thuế này, như vậy rất dễ để kiểm soát.
Theo đại biểu Ngũ, không nên xáo trộn thêm về hệ thống tổ chức cơ quan PCTN nữa. Vấn đề là kiểm soát cơ quan điều tra chống tham nhũng đó như thế nào. Và dù thế nào thì vẫn đảm bảo thực hiện theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân giám sát…
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) kiến nghị, kê khai, tài sản không nhất thiết phải cho tất cả các đảng viên, cán bộ. Theo đại biểu Cương, việc xác định kê khai lần đầu và xác minh kê khai đó chính là tìm tới tận gốc của tham nhũng. Thực tế, chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai và chưa thấy ai bị xác minh kê khai tài sản khi được đề bạt. Nếu việc này không được làm nghiêm túc thì công việc kê khai sẽ mang tính hình thức. Đại biểu Cương cũng đề nghị xử lý thực sự nghiêm minh bởi tham nhũng là nguy cơ hiện hữu đe dọa tồn vong của Đảng, thậm chí sự sụp đổ của Nhà nước.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) cũng cho rằng, tham nhũng làm tha hóa một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; hành động tham nhũng phải được xử lý nghiêm để làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Đại biểu Hoàng Văn Thượng (Cao Bằng) khẳng định, tham nhũng là thách thức trong lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Nguồn gốc tài sản rất quan trọng, nó là phương thức để ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Do đó, việc kê khai, công khai, minh bạch cần được rõ ràng, chi tiết hơn bởi thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở, bất cập với nội dung này. Đại biểu Thượng cũng đề nghị nên thành lập cơ quan PCTN của Quốc hội vì chỉ Quốc hội mới đủ điều kiện giám sát thực thi.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong phát hiện, điều tra, xét xử; nêu cao vai trò và sức mạnh của các tổ chức xã hội; tăng cường công tác thông tin của báo chí đối với PCTN; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào phát hiện và đấu tranh PCTN…
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam