"Phải coi tham nhũng như tội nặng nhất là phản quốc"

Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phần lớn các đại biểu cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc thu hồi các tài sản tham nhũng là bài toán vô cùng khó khăn cho công tác phong tỏa, tạm giữ, tịch thu và thi hành án. Đại biểu lấy ví dụ, một công chức tham nhũng 1 tỷ đồng cách đây 5 năm, người ta lấy số tiền này đầu tư vào bất động sản, nhà hàng, thậm chí kinh doanh. Theo Luật hiện hành thì lợi nhuận anh ta thu được cũng bị coi là tài sản tham nhũng. Vậy với điều kiện hiện nay, chúng ta có thể thu hồi được cả gốc lẫn lãi hay không? Cơ sở pháp luật nào cho việc này? Cơ chế nào có thể xác định được tổng lượng tài sản bị chuyển hóa vào lợi nhuận? Lực lượng nào bảo đảm cho việc phong tỏa, tạm giữ, tịch thu, quản lý và thực hiện với loại tài sản này sẽ được tổ chức và xử lý ra sao? Đại biểu đề nghị Chính phủ phải giải trình vấn đề này.

Đặt vấn đề về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng còn mờ nhạt, đại biểu Lê Thị Nguyệt chỉ rõ, các quy định về vai trò của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội rất mờ nhạt, mang tính thống kê nhiệm vụ của đối tượng này mà không nêu được cơ chế, điều kiện để phát huy lợi thế của đối tượng này. Mặt khác, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ phía xã hội chưa được cổ vũ, và chưa được đối xử công bằng trong Luật so với phía Nhà nước.

Tham nhũng phát sinh chủ yếu từ khu vực công, khu vực Nhà nước, vì vậy, chống tham nhũng thường được gắn với cụm từ “nhạy cảm” vì nó đụng chạm đến khu vực dễ bị tổn thương. Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng được hiệu quả thì hầu hết các nước đều huy động đồng thời ở cả 2 khu vực xã hội và nhà nước, trong đó, khu vực xã hội cần phải được ưu tiên hơn vì khu vực xã hội là khách quan, vô tư hơn, nhiều thuận lợi hơn. Chẳng hạn như một người dân thường, hay báo chí dễ dàng tố cáo các hành vi tham nhũng của quan chức hơn là cán bộ dưới quyền hay đồng nghiệp của quan chức này…

Do đó, đại biểu đề nghị Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi lần này phải quy định đậm nét hơn, chi tiết hơn, nhất là có cơ chế phát huy vai trò, đảm bảo vai trò xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Đây không phải là vấn đề mới mẻ, việc quy định theo hướng tăng cường các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng là cần thiết nhưng các cơ quan đó cũng chỉ là các cơ quan nhà nước thuộc khu vực công.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì cho rằng, Ban soạn thảo chưa làm rõ nguyên nhân tại sao lại phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng. Nguyên nhân lớn nhất mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quan tâm là việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa được nghiêm, chưa đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cũng như chưa thấy được quyết tâm chính trị của Đảng. Ở đây, toàn dân mong muốn không phải phòng chống mà tiêu diệt tham nhũng, phải coi tham nhũng như tội nặng nhất là phản quốc, chống lại chính quyền, từ đó mới mang lại hiệu quả tích cực trong công tác này.

 

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Phải tận diệt tham nhũng.

Về nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, hàng năm, bản kê khai cần phải báo cáo với tổ chức, cơ quan tài sản thu nhập tăng thêm ở đâu mà có để minh bạch thu nhập. Bên cạnh đó, cần thành lập Ủy ban Quốc gia độc lập phòng chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội bao gồm các cơ quan chức năng và những người đủ mạnh, đủ tâm, đủ tài để thực hiện có kết quả, hiệu quả đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết, theo bảng xếp hạng minh bạch của thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 112/183 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc ba nhóm tham nhũng cao nhất thế giới. Đó là vấn đề rất đáng báo động và cũng rất đáng suy nghĩ. Xét một cách công bằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, hiện tượng tham nhũng vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực quan trọng làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên và bộ máy nhà nước, nhất là một số lĩnh vực nhạy cảm, đem lại nhiều lợi nhuận như: Ngân hàng, tài chính, doanh nghiệp nhà nước, đất đai, giải phóng mặt bằng,...

Đại biểu đề nghị đối với các dự án lớn của Nhà nước đấu thầu lớn phải có cơ chế giám sát một cách đặc biệt, thường xuyên, khách quan, kể cả các biện pháp tần suất kiểm tra, kiên quyết xử lý kịp thời các doanh nghiệp, cán bộ thực hiện hành vi hối lộ, nhận thầu, chạy dự án…

Việc phòng, chống tham nhũng phải quyết liệt, đúng pháp luật, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc và sự thống nhất trong bộ máy nhà nước. Tuyệt đối tránh hiện tượng co cụm, bảo vệ lợi ích nhóm trong bộ máy nhà nước. Mặt khác, đại biểu nhất trí việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

Theo đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), việc quy định hành vi tham nhũng chưa đầy đủ. Ví dụ: Có hành vi đầu tư, mua sắm trái với quy định Nhà nước, nhận quà quá mức có phải là hành vi tham nhũng không? Tham nhũng thường xảy ra đối với người có chức vụ đứng đầu trong sự buông lỏng hay dung túng của cấp trên. Do đó, nên quy định trách nhiệm cấp trên trực tiếp hoặc được người được giao quản lý nhà nước đối với cơ quan, doanh nghiệp có người đứng đầu thực hiện hành vi tham những thì mới một mặt nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên, không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà trong công tác phòng chống tham nhũng; đồng thời, như vậy mới xử lý triệt để trách nhiệm với người có liên quan.

Mặt khác, phải có quy định thưởng phạt nghiêm minh theo hướng, nếu người đứng đầu tự phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan và xử lý nghiêm sẽ được khen thưởng; nếu cá nhân, tổ chức nơi khác phát hiện thì người đứng đầu dù không tham nhũng vẫn phải chịu trách nhiệm .

Về đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập, đại biểu Phạm Đức Châu không đồng tình quy định đối tượng cán bộ, công chức là đảng viên phải kê khai tài sản, bởi theo đại biểu, hầu hết người có chức vụ mới tham nhũng, nếu đảng viên không có chức vụ thì không cần nêu ở đây. Việc quy định như vậy sẽ gây hiểu lầm là mọi cán bộ, công chức là đảng viên dễ tham nhũng hơn thì rất tai hại. Đồng thời, phải mở rộng, tất cả cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực nhạy cảm đều phải kê khai chứ không chỉ đảng viên; bản kê khai phải công khai tại cơ quan làm việc của người đó./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam