Dự án được thực hiện nhằm cấp điện chất lượng tốt và ổn định hơn cho người sử dụng điện Việt Nam, đồng thời giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua cải thiện hiệu quả lưới điện. Dự án này trước đó đã được Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới thông qua vào ngày 11-9-2012.
Hình ảnh tại buổi ký kết .(Ảnh: Đ.H)
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các khoản đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả và hiện đại hóa theo Dự án Phân phối điện hiệu quả sẽ cải thiện sự ổn định của nguồn điện cho các cơ sở công nghiệp, hộ gia đình và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Việt Nam. Thực hiện thành công dự án này sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh cũng như sự bền vững về môi trường cho Việt Nam, cũng là những trụ cột của chiến lược của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2016.
Ông Văn Tiến Hùng, Chuyên gia cao cấp về năng lượng, Trưởng nhóm Dự án chia sẻ, cung cấp điện ổn định sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu sử dụng các loại năng lượng khác và các loại nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như than đá và dầu lửa. Việc này cũng giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng trong các hộ gia đình và kỳ vọng sẽ tác động tích cực với bình đẳng giới và giảm nghèo.
Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Dự án sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2020 bằng cách giảm nhu cầu đầu tư vào khu vực năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng và góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Dự án bao gồm việc xây dựng và củng cố lưới điện phân phối, giới thiệu những công nghệ lưới điện thông minh trong phân phối và hỗ trợ kỹ thuật và phương tiện để xây dựng năng lực cho Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) và 5 công ty điện lực (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội) để phát triển các loại mức giá hợp lý cho ngành điện và thiết kế chương trình quản lý tải điện hiệu quả.
Tổng chi phí dự án là 800 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới đóng góp 449 triệu USD và 30 triệu USD đến từ Quỹ đầu tư Sạch (CTF) để hỗ trợ việc thực hiện các công nghệ lưới điện thông minh. Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) cung cấp 8 triệu USD tài trợ cho hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Khoản đầu tư 313 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Trong thập kỷ vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để mở rộng mạng lưới điện và cung cấp điện cho tất cả mọi miền của đất nước. Kết quả, Việt Nam đã bao phủ điện tăng từ 50% vào năm 1996 lên tới khoảng 97% trong năm 2011. Hiện nay, trọng tâm hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã chuyển từ tăng độ bao phủ của điện sang nâng cao chất lượng các dịch vụ cho người tiêu dùng.
* Ngân hàng Thế giới cấp khoản tín dụng trên qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - đơn vị cho vay ưu đãi cho các nước IDA hỗn hợp, với lãi suất 1,25%, phí dịch vụ là 0,75% và thời hạn trả nợ 25 năm với thời gian ân hạn 5 năm. Khoản vay từ Quỹ Công nghệ sạch có phí dịch vụ là 0,75%/năm, thời gian đáo hạn là 20 năm và 10 năm ân hạn.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam