Để động viên học sinh đến lớp, các giáo viên ở trường “sáng dạy, chiều làm công tác dân vận”, xuống tận nhà học sinh nhưng rất khó tiếp cận được các bậc phụ huynh; các em học sinh thường xuyên theo cha mẹ lên rẫy, có trường hợp thấy cô giáo đến nhà thì học sinh bỏ trốn.
Thầy trò Trường THCS Bùi Thị Xuân trong một buổi tập trống.
Có những trường hợp sau khi vận động tiếp tục đến lớp, học sinh thường có thái độ coi thường và không nghe lời thầy cô, khi nhắc nhở thì các em bỏ học ngay sau đó. Nhà trường thường xuyên kết hợp với địa phương tuyên truyền về tầm quan trọng của việc “biết cái chữ” nhưng nhiều phụ huynh, học sinh chưa nhận thức. Bên cạnh đó, tác động ngoài xã hội cũng là vấn đề nhà trường lo lắng. Nhiều điểm kinh doanh Internet trên địa bàn khiến cho các em trốn học chơi game, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đối với học sinh, hàng tuần, hàng tháng nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh như: diễn đàn lắng nghe học sinh nói, vẽ tranh nhiều chủ đề, hội trại, hội chợ ẩm thực trung thu, trang trí lớp học... Các thầy, cô giáo chủ động thay đổi cách giảng dạy, làm sinh động bài giảng mỗi khi lên lớp, thế nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện tích cực. Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Duy trì sĩ số học sinh là điều lo lắng nhất của trường, việc huy động học sinh đến trường đã khó, giữ lại ở trường càng khó hơn. Theo lộ trình, đến năm 2015, trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Các tiêu chí khác nhà trường cố gắng đạt được đúng kế hoạch, nhưng trăn trở nhất là về duy trì sĩ số học sinh.
Cô Trần Thị Thu Hương cho biết thêm: Để hạn chế tình trạng này, ngoài những biện pháp đã thực hiện, nhà trường luôn xác định từng giáo viên chủ nhiệm là chỗ dựa tinh thần cho học sinh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng học sinh. Với những học sinh yếu, dù qua các lớp phụ đạo không hiệu quả, nhà trường vận động ra lớp bổ túc ban đêm.
Đối với chính quyền địa phương, theo chúng tôi, cần có chính sách hỗ trợ gia đình học sinh khó khăn; kịp thời khen thưởng học sinh khá, giỏi ở địa phương, nhằm khuyến khích, động viên con em đến trường. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt thông tin học sinh bỏ học, có giải pháp tác động đến cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho các em đến lớp. Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn tình trạng môi giới lao động lứa tuổi thiếu niên, quản lý chặt chẽ thời gian hoạt động của các cửa hàng kinh doanh Internet.
Tin rằng, với sự nỗ lực của nhà trường, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, ý thức của người dân thì “bài toán” duy trì sĩ số của Trường THCS Bùi Thị Xuân sẽ được “giải đáp” trong thời gian sớm nhất.
Minh Khai