Về dự án Thủy điện Sông Tranh 2, tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Ủy ban Khoa học công nghệ, môi trường của Quốc hội đã gửi Báo cáo giám sát đến các vị đại biểu Quốc hội. Trong Báo cáo đã đưa ra các đánh giá cũng như các kiến nghị để Chính phủ cùng với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn đăng đàn để giải thích thêm những băn khoăn của cử tri cả nước, nhất là người dân tỉnh Quảng Nam, về những vấn đề liên quan đến công trình thủy điện này.
Dự án thủy điện Sông Tranh 2 được khởi công tháng 3-2006, tích nước giai đoạn 1 cuối năm 2010; tích nước giai đoạn 2 cuối năm 2011. Dự án sau khi tích nước và đưa vào vận hành đã xuất hiện 2 vấn đề: một là, xuất hiện thấm ở đập công trình từ 30 đến 80 lít/giây (vượt tiêu chuẩn cho phép); hai là, xuất hiện động đất và sau này được xác định là động đất kích thích do tác động của hồ chứa.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, từ tháng 11-2011 đến nay, đã có 66 đợt động đất kích thích, trong đó, có 2 lần đạt 4,2 độ richter. Đợt động đất kích thích cao nhất là 4,6 độ richter vào ngày 22-10, chưa vượt tiêu chuẩn thiết kế là 5,5 độ richter và tiêu chuẩn tính kiểm tra của đập là 6 độ richter.
Để khắc phục vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ kịp thời yêu cầu Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Viện Vật lý địa cầu, chủ đầu tư cùng UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra công trường và đưa ra các giải pháp.
Về chống thấm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, đến tháng 8-2012 đã được nghiệm thu. Đối với 10 khe nhiệt chính, sau khi xử lý đã giảm từ 26 lít/giây xuống còn 0,02 lít/giây, đã giảm được 99,9%, đạt vượt tiêu chuẩn cho phép. Các vị trí thấm của 20 khe nhiệt khác và nền cũng giảm 86%, đạt tiêu chuẩn cho phép về chống thấm.
Về động đất, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã thuê công ty tư vấn nước ngoài (Công ty của Thụy Sỹ) đánh giá ổn định đập trên các tiêu chí như: Thiết kế đập, ổn định đập, an toàn đập, cũng như quan trắc đập và khả năng gây động đất của hồ chứa.
Báo cáo đánh giá của tư vấn nước ngoài đều cho rằng, đập được thiết kế bảo đảm về tiêu chuẩn và có dự phòng về ổn định đập cũng như ổn định chống động đất. Theo thiết kế, với động đất là 5,5 độ richter thì gia tốc nền thiết kế là 150cm/s2 và động đất lớn nhất vừa qua là 4,6 độ richter thì gia tốc nền đạt 108cm/s2. Nếu theo số liệu tính kiểm tra ổn định đập thì gia tốc nền này, tính kiểm tra lên đến 250cm/s2. Như vậy về mặt ổn định đập cho thấy không có dấu hiệu mất an toàn của đập cũng như về hồ chứa.
Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trên cơ sở báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cũng như của các cơ quan có liên quan như: Bộ Khoa học và công nghệ, Viện Vật lý địa cầu, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo lấy mục tiêu là bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du làm mục tiêu số 1, cho nên đã quyết định là không tích nước hồ chứa của mùa lũ năm nay và giao cho Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cùng với Bộ Khoa học và công nghệ, Viện Vật lý địa cầu, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng tổ chức một đoàn công tác để vào kiểm tra cũng như theo dõi đánh giá đập trong suốt thời gian mùa lũ năm nay.
Về động đất kích thích, Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Vật lý địa cầu thuê chuyên gia nước ngoài đánh giá toàn bộ về ổn định hồ chứa và đánh giá về tình trạng địa chất hồ chứa cũng như ổn định an toàn đập.
Trong thời gian qua, các bộ, ngành đã triển khai nghiêm túc kết luận của Thủ tướng và cũng đã có báo cáo về tính ổn định của đập, hồ chứa. “Cho đến nay, chưa có dấu hiệu gây mất an toàn của đập và hồ chứa nước”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.
Đối với việc quan trắc đập, Thủ tướng đã giao cho các cơ quan bảo đảm lắp 5 trạm về đo địa chấn cũng như lắp đầy đủ các thiết bị quan trắc đập để có điều kiện theo dõi và đánh giá về ổn định và an toàn đập trong thời gian tới.
Về công tác thống kê, đền bù, Chính phủ đã giao cho chủ đầu tư cũng như các Bộ phối hợp cùng Ủy ban nhân dân địa phương thống kê hơn 1.000 nhà của người dân bị ảnh hưởng, bị tác động nứt, sẽ có các giải pháp của chủ đầu tư để đền bù, hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới.
Về những vướng mắc trong khâu đền bù, tái định cư đối với 1.000 hộ dân, 5.000 khẩu bị tác động khi thực hiện dự án này, chủ đầu tư cũng như Ủy ban nhân dân địa phương cũng đang có các giải pháp để khắc phục vấn đề thiếu đất sản xuất, vấn đề xây dựng các đường nội bộ khu tái định cư...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam